Đậu hũ là thực phẩm được làm từ đậu nành xay và đông đặc lại, được chia thành nhiều loại như đậu hũ miếng, đậu hũ non, đậu hũ trứng, đậu hũ mềm, đậu hũ khô… Hương vị và cách chế biến rất đa dạng phù hợp cho từng món ăn khác nhau.
Thông qua nhiều cách chế biến khác nhau, đậu hũ có thể biến thành những món ngon. Nếu thêm một chút khéo léo, mọi người có thể biến đậu hũ thành những món ăn cao cấp có nhiều bổ dưỡng với hương vị độc đáo.
Đậu hũ chế biến đa dạng món ngon
Liêu Hân Nghi, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, đậu hũ có nguồn gốc từ Trung Quốc và rất phổ biến ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macao, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và nhiều nước khác nữa.
Đậu hũ rất giàu lecithin đậu nành, canxi và các chất dinh dưỡng khác. Đây là nguồn cung cấp protein chất lượng cao tốt nhất, đặc biệt cho người ăn chay. Đậu hũ không chỉ có giá cả phải chăng và ăn ngon miệng mà còn là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Ngoài việc sử dụng trực tiếp đậu hũ cho các chế biến món ăn thông thường như salad đậu hũ rau củ, canh súp, chiên, kho… thì đây cũng là một nguyên liệu thực phẩm tuyệt vời để biến đậu hũ thành những món ăn nhiều sáng tạo.
Lấy món bắp non đậu hủ trứng làm ví dụ, tuy chế biến tương đối phức tạp nhưng thành phẩm không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn có lượng calo tương đối thấp và giá trị dinh dưỡng cao. Sau khi chế biến công phu, nó thậm chí có thể trở thành một món ăn ngon có mặt trong những buổi bữa tiệc cao cấp.
Những người nào không thích hợp ăn đậu hũ
Chuyên gia Liêu Hân Nghi cho biết, theo lâm sàng có ít nhất hai nhóm người không thích hợp ăn đậu hũ. Nhóm thứ nhất là thể chất yếu và hàn, thường dẫn đến tay chân lạnh, đau lưng và đau đầu gối, mạch yếu, mặt xanh xao, mệt mỏi và phù nề cơ thể.
Nhóm người thứ hai là những người bị bệnh gút nên ăn ít đậu hũ trong giai đoạn cấp tính của bệnh gút, vì đậu hũ có chứa một lượng lớn purine có thể làm tăng axit uric. Axit uric cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh gút, dẫn đến đau nhức dữ dội, sưng, nóng đỏ ở các khớp.
Nếu thể chất yếu, nhưng lại thích ăn món đậu hũ lạnh, mọi người có thể kết hợp với một số nguyên liệu có tính ấm như tỏi băm, hành lá, hành tây, hạt tiêu hoặc mù tạt ăn chung với đậu hũ sẽ tốt cho sức khỏe hơn.
Mọi người cũng có thể ăn đậu hũ theo kiểu người Nhật và sử dụng miso (là một loại gia vị luôn xuất hiện trong mâm cơm của những người Nhật Bản), nước tương và natto lên men (là một món ăn truyền thống của Nhật Bản được làm từ đậu nành lên men) để biến món đậu hũ lạnh thành thực phẩm trung tính, sẽ phù hợp cho người có thể hàn, ăn vào sẽ không làm cơ thể bị lạnh hơn.
Cách bảo quản đậu hũ tốt nhất có thể ăn trong vòng hai ngày
Chuyên gia dinh dưỡng Liêu Hân Nghi cho biết, trên thị trường có bán rất nhiều loại đậu hũ, việc lựa chọn và bảo quản đậu hũ như thế nào cũng là vấn đề mà mọi người cũng cần phải biết.
Chuyên gia Liêu Hân Nghi nói thêm, vì đậu hũ tươi, đậu hũ miếng, đậu hủ non… rất dễ bị hư nên tốt nhất mọi người mua về ăn hết ngay trong ngày. Nếu còn thừa, hãy rửa sạch bằng nước sôi, sau đó cho vào hộp bảo quản đổ thêm nước sôi để nguội vào, sao cho nước ngập kín bề mặt đậu hũ và đậy kín nắp hộp rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Nếu ngày hôm sau vẫn ăn chưa hết thì phải thay nước ban đầu bằng nước mới rồi bảo quản tiếp, trong vòng hai ngày phải hoàn toàn ăn hết, không nên để bảo quản quá hai ngày.
Nếu muốn để lâu hơn hai ngày, mọi người có thể cân nhắc cho đậu hũ miếng, đậu hũ non… vào ngăn đá tủ lạnh để đông lạnh. Đậu hũ đông lạnh cũng sẽ ăn rất ngon khi dùng trong món lẩu hoặc kho.