Chờ...

Thúc đẩy đầu tư xanh và tài chính xanh: Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam

VOH - Tài chính xanh đang dần trở thành công cụ không thể thiếu để hỗ trợ doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. 1.000 tỉ USD mỗi năm là con số mà từ nay đến năm 2035 cần để giảm PTKNK.

 

Ngày 26/11, tại TP.HCM, Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh – Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” được tổ chức bởi Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy và các đơn vị liên quan.

Sự kiện quy tụ lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp để bàn thảo giải pháp thúc đẩy tài chính xanh, tạo đà cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Đồng thời tăng cường nhận thức và sự quan tâm của các nhà đầu tư về cơ hội đầu tư xanh và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án thân thiện với môi trường thông qua các công cụ tài chính xanh.

Cơ hội và thách thức trên hành trình xanh hóa nền kinh tế

z6071192990747_e06b25d654a1c5fb8eb23f2423fd545f

Ông Đoàn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường,

Phát biểu khai mạc, ông Đoàn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh: “Đầu tư và tài chính xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết trọng tâm của hơn 140 quốc gia.” Với Chiến lược Tăng trưởng Xanh và các chính sách quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 43,5% phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường (BAU) vào năm 2030, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và quốc tế thông qua các cơ chế tài chính xanh.

Tuy nhiên, tài chính xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt nhiều thách thức. Theo ông Nguyễn Phương Nam, Đánh giá viên quốc tế của UNFCCC, tín dụng xanh hiện chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ, và thị trường trái phiếu xanh còn sơ khai. Việc thiếu thống nhất trong định nghĩa và tiêu chí về các danh mục xanh gây khó khăn cho các ngân hàng và doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Tiến sĩ Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại hội thảo.

Thạc sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, chia sẻ: “Chi phí vốn cao và thủ tục phức tạp là rào cản lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song, với nỗ lực hoàn thiện môi trường pháp lý và áp dụng chính sách ưu đãi, Việt Nam đang mở rộng cánh cửa thu hút dòng vốn xanh quốc tế.”

Thúc đẩy tài chính xanh qua các cơ chế và công cụ hiệu quả

1e3c6f37ec7805265c69

Các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị

Các chuyên gia nhận định hệ thống ngân hàng đóng vai trò trung tâm trong việc cung ứng vốn xanh. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả nguồn vốn, cần ban hành Bộ tiêu chí xanh quốc gia, giúp các tổ chức tài chính có cơ sở đánh giá thống nhất. Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ như ưu đãi lãi suất và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp.

Việt Nam chỉ phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh từ năm 2019 đến 2023, thấp so với nhu cầu 20 tỷ USD mỗi năm. Theo TS. Nguyễn Phương Nam, việc thiếu chuẩn hóa tiêu chí và cơ chế khuyến khích là nguyên nhân chính. TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, Đại học RMIT Việt Nam, nhấn mạnh: “Cần cải thiện tính minh bạch và tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh cho thị trường trái phiếu xanh.”

Thị trường cổ phiếu xanh tại Việt Nam hiện còn sơ khai. TS. Huy đề xuất các cơ chế ưu đãi thu hút nhà đầu tư như cải thiện khung pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành và thúc đẩy minh bạch thông tin.

Thị trường carbon là một trong những công cụ quan trọng để huy động nguồn lực cho mục tiêu Net Zero. Theo các chuyên gia, cần thiết lập các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường này, đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng năng lực thực thi và quản lý thị trường carbon hiệu quả.

Vai trò của doanh nghiệp và chính quyền địa phương

TP.HCM, với vai trò là trung tâm kinh tế, được kỳ vọng sẽ đi đầu trong việc triển khai các mô hình khu công nghiệp xanh, áp dụng năng lượng tái tạo và kinh doanh tuần hoàn. Thạc sĩ Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân.”

Thạc sĩ Lê Duy Bình bổ sung: “Chính quyền địa phương cần khai thác hiệu quả các cơ chế đặc thù, đồng thời thúc đẩy đầu tư công và chi tiêu xanh để tạo động lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi.”

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để tận dụng cơ hội từ các dòng vốn quốc tế. TS. Nguyễn Phương Nam khuyến nghị: “Các tổ chức tín dụng cần đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp về quy trình minh bạch thông tin, báo cáo tài chính xanh, và xây dựng chiến lược dài hạn.”

Hướng tới tương lai xanh bền vững

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến thu hút dòng vốn xanh quốc tế, nhờ vào môi trường pháp lý ngày càng hoàn thiện và các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, cần những hành động đồng bộ và quyết liệt hơn từ tất cả các bên liên quan.

“Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc cung cấp các chương trình đào tạo, ưu đãi thuế, hoặc quỹ hỗ trợ riêng biệt để giúp họ tiếp cận tài chính xanh một cách hiệu quả hơn”, bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Cushman & Wakefield Việt Nam, đề xuất.

"Những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng chính sách và phát triển thị trường tài chính xanh sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững lâu dài", TS. Lại Văn Mạnh nhấn mạnh.

Tài chính xanh không chỉ là phương tiện hỗ trợ doanh nghiệp mà còn là công cụ quan trọng để Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững.