Chờ...

TPHCM đề xuất 12 chính sách đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4

TPHCM - UBND TPHCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM.

Theo UBND TPHCM, dựa trên thực tiễn triển khai các dự án đường bộ cao tốc trong thời gian qua, TPHCM và các địa phương kiến nghị áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Phối cảnh một nút giao Vành đai 4 TPHCM.
Phối cảnh một nút giao Vành đai 4 TPHCM.

Phạm vi áp dụng cơ chế này được đề xuất cho toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM, bao gồm đoạn qua tỉnh Bình Dương. Cụ thể, các chính sách được đề xuất như sau:

Chính sách 1: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án tổng thể và từng dự án thành phần.

Đối với các dự án thành phần có chi phí đầu tư lớn do khối lượng giải phóng mặt bằng cao và yêu cầu xây dựng nhiều công trình phức tạp, tỷ lệ vốn nhà nước tối đa 50% có thể gây khó khăn trong việc đảm bảo hiệu quả tài chính và thu hút đầu tư. Vì vậy, việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước nhằm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, đảm bảo triển khai dự án theo phương thức PPP.

Chính sách 2: Giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư các dự án thành phần, sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác.

Chính sách này nhằm phát huy hiệu quả vốn ngân sách nhà nước và khơi thông nguồn lực từ trung ương đến địa phương. Việc này là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông quan trọng.

Chính sách 3: Cho phép UBND cấp tỉnh được đầu tư các công trình nằm trên địa giới hành chính giáp ranh, sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ các địa phương khác.

Chính sách này nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả đầu tư dự án.

Chính sách 4: Chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, lập quy hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng hạ tầng khu tái định cư.

Việc này giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tham khảo các cơ chế đã áp dụng hiệu quả tại các dự án quan trọng quốc gia.

Chính sách 5: Miễn thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình thi công.

Chính sách này nhằm chuẩn bị sẵn sàng nguồn vật liệu thi công, đảm bảo tiến độ xây dựng và giải ngân hiệu quả.

Chính sách 6: Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với thủ tục nhanh gọn khi cần thiết.

Chính sách này giúp tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công trình giao thông, đặc biệt là dự án Vành đai 4 TP.HCM.

Chính sách 7: Đơn giản hóa trình tự và thẩm quyền điều chỉnh các dự án thành phần.

UBND TP.HCM kiến nghị thực hiện quy trình tương tự các dự án nhóm A, đồng thời cho phép Chủ tịch UBND các tỉnh thành lập hội đồng thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần.

Chính sách 8: Chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030 cho dự án Vành đai 4 TP.HCM mà không tính vào tổng mức đầu tư của giai đoạn sau.

Chính sách 9: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với các dự án thuộc quy hoạch chung và chuyên ngành.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trong việc triển khai dự án.

Chính sách 10: Không bắt buộc thi tuyển phương án kiến trúc đối với các cầu trong đô thị thuộc dự án từ cấp II trở lên.

Chính sách này nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và tiến độ thi công.

Chính sách 11: Quy định linh hoạt về định mức và khoản mục chi phí.

Chủ đầu tư được phép áp dụng các định mức, đơn giá hoặc xác định chi phí theo suất đầu tư của các dự án tương tự, kể cả quốc tế, để tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ dự án.

Chính sách 12: Thực hiện trước các hoạt động lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu quan trọng.

Điều này nhằm đơn giản hóa quy trình, giảm thời gian và chi phí đấu thầu, đảm bảo tiến độ và sớm hoàn thành dự án.

UBND TPHCM kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét, chấp thuận các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên để dự án đường Vành đai 4 TP.HCM được triển khai thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.