Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dã ngoại an toàn: 7 bí kíp phòng tránh ngộ độc thực phẩm

VOH - Để đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh ngộ độc khi đi dã ngoại mùa nắng nóng, tham khảo những lưu ý trong bài viết sau.

Tự chuẩn bị đồ ăn trong những chuyến dã ngoại cùng gia đình, bạn bè đang là xu hướng lựa chọn của nhiều người. Để cuộc vui được trọn vẹn, chúng ta có một số lưu ý để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những bữa ăn ngoài trời.

VOH đã trao đổi với bác sĩ Đỗ Thị Như Quỳnh, Khoa Cấp cứu - Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn về vấn đề này. 

da-ngoai-an-toan-7-bi-kip-phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham-voh
Đừng để cuộc vui bị gián đoạn vì ngộ độc thực phẩm - Ảnh: Canva

Trả lời VOH, bác sĩ Đỗ Thị Như Quỳnh cho biết, để tự chuẩn bị thức ăn cho những buổi dã ngoại, có một số nguyên tắc nên đảm bảo. 

Đầu tiên, luôn giữ tay sạch sẽ. Rửa tay trước, trong và sau khi ăn; rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm; rửa dụng cụ nấu ăn và bát đĩa giữa các lần sử dụng.

Chú ý: rửa thớt sau khi cắt thịt sống để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo vi sinh vật từ thực phẩm này sang thực phẩm khác. 

Thứ hai, không để thịt sống tiếp xúc với thực phẩm khác, đặc biệt là thực phẩm đã nấu chín vì vi khuẩn trong thực phẩm sống có thể làm ô nhiễm thực phẩm nấu chín. Nếu sử dụng những thực phẩm này có thể gây tình trạng ngộ độc. 

Thứ ba, cần làm sạch các thực phẩm trước khi dã ngoại. 

Thứ tư, chú ý giữ ấm và giữ lạnh thực phẩm. Trong một chuyến dã ngoại, thời gian chuẩn bị thức ăn có thể dài hơn bình thường. Do đó, cần dành thời gian để làm nguội những thực phẩm này.

Những thực phẩm sau khi đi dã ngoại, ví dụ như thực phẩm có hạn sử dụng, bữa ăn đã nấu sẵn, salad, bánh mì tươi, sản phẩm từ sữa, gia vị ăn liền, để ngăn chặn sự phát triển của vi trùng thì hãy bảo quản trong ngăn mát, trong túi đá và trong gói gel đông lạnh ở nhiệt độ dưới 8℃, kiểm tra độ chín của thịt bằng nhiệt kế.

Thời gian nấu trên vỉ nướng có thể khác với thời gian nấu trong lò nướng. Vì vậy, nhiệt kế đo thịt là cần thiết để đảm bảo thịt chín hẳn. Không nên nấu chín một phần hoặc không nên ăn nếu như phần giữa vẫn còn màu hồng. Thực phẩm chế biến chưa chín hẳn sẽ tạo điều kiện cho vi trùng phát triển.

Ngoài ra, nếu muốn rã đông các thực phẩm, các loại thịt thì nên rã đông trong ngăn tủ mát để đảm bảo an toàn cho thịt. 

Thứ năm, sử dụng đồ ăn nhẹ, để lâu được. Giải pháp tốt nhất là mang những thực phẩm để lâu được như các loại bánh, kẹo, bơ đậu phộng, bánh mì tươi,... Những thực phẩm này không dễ bị hư hỏng ngay cả khi ngoài trời và vận chuyển rất dễ dàng.

Thứ sáu, nếu thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, hãy bỏ ra khỏi bữa ăn. Nếu bạn nghi ngờ thực phẩm bị ôi thiu, có mùi lạ, hãy vứt đi để đảm bảo an toàn cho bạn và người thân.

Thứ bảy, nếu có những biểu hiện ngộ độc thì tốt nhất nên đến trung tâm y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

voh-ngo-doc-thuc-pham-nsk

Đừng quên theo dõi voh.com.vn - Mục Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận