Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ghẻ ngứa và những cách điều trị dứt điểm

(VOH) - Ghẻ ngứa là bệnh có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác. Cái ghẻ thường đào luống trong biểu bì da để đẻ trứng, gây ngứa kéo dài, đặc biệt là lúc về đêm.

Bệnh ghẻ ngứa là gì?

Ghẻ là một bệnh ngoài da do ký sinh trùng (cái ghẻ) Sarcoptes Scabiei homonis gây ra. Con ghẻ thường đào luống trong biểu bì da để đẻ trứng, gây ngứa về ban đêm, ngứa kéo dài và lây lan nhanh. Không chỉ con người mà cả chó mèo hoang dã lẫn thuần hóa, động vật có móng guốc, lợn, trâu bò, gấu túi và các loài linh trưởng lớn đều chịu ảnh hưởng của loài ký sinh này.

ghe-ngua-va-nhung-cach-dieu-tri-dut-diem-voh-1

Hình ảnh bệnh ghẻ ngứa do con cái ghẻ gây ra (Nguồn: Internet)

Bệnh ghẻ ngứa chủ yếu lây truyền do tiếp xúc trực tiếp da với da hoặc dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh như quần áo, khăn tắm, khăn mặt, chăn mềm,…

Ban đầu, triệu chứng chủ yếu là ngứa. Người bệnh có thể ngứa ít vào ban ngày và ngứa dữ dội vào ban đêm, thậm chí có trường hợp bị mất ngủ vì quá ngứa. Sau ngứa là biểu hiện các mụn nước nằm rải rác, có màu trắng đục, ở vùng da non.

Ngoài các triệu chứng trên còn một số triệu chứng không đặc hiệu như: dấu gãi trầy xước da do các móng tay, vết chàm hóa tạo những mụn nước tụ lại thành mảng.

Con cái ghẻ thường đào hầm dưới da, là một đường rất nhuyễn, cong khúc khuỷu, màu xám hay đen do màu của phân con cái ghẻ tạo nên, kích thước khoảng vài mm, hơi nổi cộm dưới da, nhìn kỹ cũng thấy bằng mắt thường.

Vị trí cái ghẻ xuất hiện thường là ở nếp kẽ tay, mặt bên các ngón, mặt trước cẳng tay, cùi chỏ, nách, quầng vú, quanh rốn, bộ phận sinh dục, mông, đùi, háng. Ở trẻ em thường xuất hiện ở lòng bàn tay, kẽ các ngón tay, lòng bàn chân, bộ phận sinh dục, mông và da đầu.

Bệnh ghẻ ngứa thường tồn tại lâu dài, nếu không điều trị, bệnh có thể tái phát khoảng 25 ngày sau khi lành bệnh.

Cách trị bệnh ghẻ ngứa

Sử dụng thuốc bôi diệt cái ghẻ là cách trị ghẻ ngứa nhanh nhất. Bác sĩ thường chỉ định một số loại kem dưỡng hay thuốc mỡ để bôi diệt cái ghẻ.

Các loại thuốc dùng phổ biến là:

  • DEP bôi lên vết ghẻ 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối.
  • Eurax bôi một lần vào buổi tối.
  • Benzyl benzoat lotion 25%.
  • Thuốc mỡ lưu huỳnh 10%.
  • Trường hợp nhiễm khuẩn dùng dung dịch milian hay eosin phối hợp các thuốc bôi ngoài da và kháng sinh uống.

Lời khuyên: Khi bị bệnh ghẻ ngứa, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng thuốc. Bên cạnh đó, muốn trị dứt điểm bệnh này, nhất thiết phải trị cho người tiếp xúc với người bệnh cùng một lúc với nhau, vệ sinh quần áo cá nhân và bôi thuốc đúng cách.

Ghẻ ngứa và những cách điều trị dứt điểm 2

Trị ghẻ ngứa bằng thuốc bôi là cách trị phổ biến nhất (Nguồn: Internet)

Mẹo chữa ghẻ ngứa tại nhà

  1. Trị ghẻ ngứa bằng lá bạch đàn

Ghẻ ngứa rất sợ lá bạch đàn và nó sẽ di chuyển ra ngoài da hoặc di chuyển linh tinh. Chỉ cần tắm nhiều lần bằng nước lá bạch đàn nấu là bệnh sẽ khỏi. Những người mắc bệnh ghẻ ngứa nên chọn loại lá bạch đàn kim lá nhỏ. Dùng loại lá này (gồm cả lá tươi và lá khô) và đun thật đặc, rồi tắm.

  1. Dùng lá xoan để điều trị

Lá xoan là loại thảo dược có tính đắng và rất độc với ghẻ ngứa nên dùng rất hiệu quả. Chỉ cần dùng nước đun sôi rồi cho lá xoan vào, đợi nước ấm và dùng nó để tắm cho đến khi hết sạch ghẻ ngứa. Tuy nhiên, không được để cho nước lá xoan dây ra miệng, mũi và mắt của người bệnh bởi khi nuốt phải nó có thể khiến người bệnh bị say hoặc ngộ độc.

  1. Dùng lá trầu không

Trong Đông y, trầu không là loại kháng sinh tự nhiên, dùng để diệt khuẩn cho những vùng da bị xước và nó có thể làm cho cái ghẻ bị tiêu diệt. Người bệnh lấy lá trầu không đun sôi với nước. Sau đó, tắm trong vòng 1 tuần thì sẽ không còn ghẻ ngứa nữa.

Lưu ý: Các bài thuốc này chỉ mang tính chất tham khảo. Trên thực tế, một số trường hợp bị ghẻ ngứa, áp dụng những cách này không khỏi là do cơ địa không đáp ứng. Tốt nhất, khi bị ghẻ ngứa bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để thăm khám và điều trị hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở
  3. Trang vicare.vn
Đừng bỏ qua: Cách trị bệnh ghẻ nước tại nhà hiệu quả: Khi chân hay tay tiếp xúc với nước bẩn, nguy cơ mắc bệnh ghẻ nước là rất cao. Dưới đây là những cách có thể giúp bạn trị bệnh ghẻ nước hiệu quả. 
Ung thư da: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị: Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư da cũng là một loại ung thư nguy hiểm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều người vẫn chưa nâng cao nhận thức về căn bệnh này.
Bình luận