Tiêu điểm: Nhân Humanity

Khô khớp gối uống thuốc gì nhanh khỏi?

(VOH) - Khô khớp gối cần được khắc phục càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống cũng như công việc của người bệnh.

1. Khô khớp gối là gì?

Khô khớp gối là tình trạng đầu gối phát ra tiếng kêu lạo xạo, lục cục mỗi khi cử động, thường kèm theo triệu chứng đau.

Ở giai đoạn đầu, tình trạng khô khớp gối chỉ báo động bằng những cơn đau nhẹ khi gối chuyển động bằng các động tác co, duỗi, gập, xoắn,…Nếu bạn chủ quan và không can thiệp điều trị đúng cách, bệnh sẽ tiến triển theo chiều hướng xấu, xuất hiện những cơn đau nhức thường xuyên hơn (thậm chí cả lúc bạn ngủ), hạn chế vận động.

kho-khop-goi-uong-thuoc-gi-nhanh-khoi-voh-1

Khô khớp gối có thể kèm theo các triệu chứng khác của bệnh khớp như sưng, nóng, đỏ khớp, đau khớp (Nguồn: Internet)

Khô khớp gối thường do khớp không tiết dịch bôi trơn hoặc lượng dịch khớp tiết ra quá ít gây đau nhức và hạn chế vận động. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở người già và một bộ phận nhân viên văn phòng ngồi liên tục ít vận động.

2. Cách điều trị khô khớp gối

Nếu bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể ổn định tình trạng khô khớp gối trong thời gian dài.

Cách điều trị khô khớp gối thường là dùng thuốc giúp phục hồi khớp bị tổn thương theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, có cả liệu pháp tiêm axit hyaluronic nội khớp. Phương pháp tiêm này nhằm cung cấp axit hyaluronic, là một thành phần của dịch khớp, giúp bôi trơn khớp, giảm ma sát, giảm xóc, từ đó giúp khớp vận động trơn tru hơn. Thông thường, người bệnh có thể được tiêm 3 - 5 mũi tiêm vào một khớp, mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tuần.

Ngoài ra, người bị khô khớp gối cần bổ sung canxi, vitamin D, các khoáng chất khác như magie, vitamin K,…hàng ngày qua các thực phẩm. Nếu cần thiết, có thể bổ sung mỗi ngày 1 viên đa sinh tố chứa magie, vitamin K, axit folic, vitamin B6 và B12 theo chỉ định của bác sĩ.

3. Khô khớp gối nên ăn gì?

Nếu bị khô khớp gối, bạn có thể tham khảo một số thực phẩm có lợi sau đây:

3.1 Các loại cá biển

Cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích,…chứa một lượng lớn axit béo omega-3. Đây là một dưỡng chất có tác dụng chống viêm, giảm đau, giảm khô khớp hiệu quả.

Các chuyên gia khuyên, mỗi người nên ăn cá biển ít nhất 2 – 3 lần/tuần để hỗ trợ xương khớp chắc khỏe, dẻo dai.

3.2 Sữa và các sản phẩm từ sữa

kho-khop-goi-uong-thuoc-gi-nhanh-khoi-voh-2

Người bị khô khớp gối nên uống sữa và ăn các sản phẩm từ sữa (Nguồn: Internet)

Nguồn canxi và vitamin D trong sữa góp phần cải thiện chất lượng xương khớp, đồng thời thành phần collagen thủy ngân còn tham gia vào quá trình tái tạo sụn, giúp khớp trở nên dẻo dai hơn.

Nếu bị khô khớp gối, bạn nên uống sữa thường xuyên hoặc dùng các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua.

3.3 Rau xanh và trái cây

  • Các loại rau xanh chứa dịch nhờn tự nhiên như đậu bắp, rau mồng tơi…hỗ trợ tăng chất nhờn cho khớp rất tốt.
  • Bắp cải chứa nhiều vitamin K giúp tăng mật độ xương, ngăn ngừa sự rạn xương và bào mòn sụn.
  • Bông cải xanh chứa Sulforaphane – hợp chất hỗ trợ làm chậm quá trình viêm khớp.
  • Một số loại trái cây cung cấp hàm lượng vitamin C cao như đu đủ, cam, chanh, bưởi… giúp kháng viêm hiệu quả. Quả bơ có khả năng kích thích sản sinh collagen, tạo sự liên kết và duy trì hoạt động của toàn bộ khung xương.

3.4 Dầu ô liu

Dùng dầu ô liu để trộn salad hoặc xào nấu thức ăn mỗi ngày sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng viêm, giảm các triệu chứng của bệnh cơ xương khớp, trong đó có tình trạng khô khớp gối.

Ngoài việc tìm hiểu bệnh khô khớp gối nên ăn gì thì bạn cũng cần chú ý đến chế độ sinh hoạt và vận động. Bị khô khớp gối cần tránh tư thế ngồi xổm, hạn chế lên xuống cầu thang, tránh cúi xuống nhấc vật nặng hay ngồi hàng giờ mà không vận động. Bạn nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày nhưng hãy tránh tập thể hình mang vác tạ quá nặng ở tư thế đứng hay ngồi.

Bình luận