Tiêu điểm: Nhân Humanity

Khô mắt nên dùng thuốc gì hiệu quả?

( VOH ) - Khô mắt là bệnh lý rất phổ biến, nếu không khắc phục kịp thời có thể ảnh hưởng đến thị lực.

Bệnh khô mắt thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên ngày nay số người trẻ bị khô mắt đang ngày càng gia tăng. Hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này để biết cách điều trị cũng như phòng ngừa một cách hiệu quả.

1. Khô mắt là gì?

Khô mắt là bệnh xảy ra khi số lượng hoặc chất lượng của nước mắt bị giảm, nguyên nhân là do một khâu nào đó trong quá trình sản xuất và bài tiết nước mắt bị rối loạn hoặc do tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi, nóng ẩm.

2. Dấu hiệu nhận biết khô mắt

Những người bị khô mắt thường có các triệu chứng như:

  • Cảm giác khô rát mắt.
  • Cảm giác mắt bị cộm như có cát trong mắt.
  • Đỏ hoặc nóng ở mắt.
  • Khó nhắm, khó mở mắt.

kho-mat-nen-dung-thuoc-gi-hieu-qua-voh-1

Khô mắt gây ra các triệu chứng khó chịu (Nguồn: Internet)

Bạn có thể kiểm tra chứng khô mắt qua các bước đơn giản sau đây:

  • Bước 1: Chớp mắt 2 lần trước khi bắt đầu.
  • Bước 2: Không chớp mắt và đếm chậm lần lượt từ 1 đến 15.

Kết quả: Nếu bạn chớp mắt khi chưa đếm đến 10 (tương đương với khoảng thời gian 10s), có thể bạn đã bị khô mắt.

3. Những yếu tố ảnh hưởng gây khô mắt

3.1 Nghề nghiệp

Theo nghiên cứu, khoảng 60% nhân viên văn phòng mắc các bệnh lý về mắt, trong đó chủ yếu là khô mắt. Nguyên nhân do 70% thời gian làm việc của họ gắn liền với máy tính, phải làm việc cả ngày trong môi trường máy điều hòa.

3.2 Thói quen sinh hoạt

Ngồi lâu xem tivi, máy tính, sử dụng điện thoại,…là một trong những thói quen xấu ảnh hưởng đến mắt. Những thói quen này không chỉ khiến thị lực giảm mà còn gây khô mắt, đặc biệt là trẻ nhỏ.

3.3 Môi trường

Môi trường ô nhiễm, không khí khô nóng, dùng quạt hoặc máy điều hòa, khói thuốc lá,…là yếu tố có thể ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng của nước mắt,  gây khô mắt.

3.4 Tuổi và giới tính

Chức năng của tuyến lệ sẽ suy giảm do tình trạng lão hóa của cơ thể. Do đó, từ tuổi trung niên, lượng nước mắt tiết ra giảm 50% so với thời trẻ, nhất là phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh rất dễ bị khô mắt.

4. Bệnh khô mắt có nguy hiểm không?

Nước mắt được tiết ra bởi một tuyến tiết nằm ở mi trên, thành phần bao gồm nước, protein, vitamin và chất dinh dưỡng, có nhiệm vụ chính là giữ ẩm, bôi trơn, rửa sạch bụi, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong mắt.

Ngoài ra, nước mắt còn giúp nuôi dưỡng giác mạc, nơi bảo vệ mắt và khúc xạ tia sáng. Do đó, khi mắt bị khô sẽ làm giảm nguồn cung cấp dinh dưỡng cho giác mạc, lâu dần gây bệnh giác mạc.

Bên cạnh đó, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh khô mắt dễ dẫn đến bỏng rát mắt, mờ mắt, hạn chế tầm nhìn. Nặng hơn có thể gây viêm kết giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc,…

5. Chữa khô mắt bằng cách nào?

Đa số các trường hợp bị khô mắt sẽ được chỉ định dùng thuốc. Vậy khô mắt nên dùng thuốc gì?

Thông thường, người bệnh khô mắt sẽ dùng thuốc nhỏ mắt nhân tạo, có tác dụng bôi trơn và giữ ẩm cho mắt, thay thế lượng nước mắt đã mất. Tuy nhiên, nhược điểm của cách chữa khô mắt này là chúng không cung cấp được các dinh dưỡng cần thiết để nuôi giác mạc.

Phẫu thuật trị bệnh khô mắt sẽ được tiến hành khi cách chữa bằng thuốc không mang lại hiệu quả và nhiều lợi ích cho mắt.

kho-mat-nen-dung-thuoc-gi-hieu-qua-voh-2

Dùng thuốc nhỏ mắt là cách chữa khô mắt phổ biến (Nguồn: Internet)

6. Cách chữa khô mắt dân gian

Để giảm chứng khô mắt, bạn có thể áp dụng các cách chăm sóc mắt tại nhà sau đây:

6.1 Chườm ấm

Nước mắt có thành phần chính là dầu, nước và chất nhầy. Khi mắt bị khô, có cảm giác sưng tấy, mắt sẽ ngưng tiết dầu, dẫn đến tình trạng khô mắt càng nặng hơn. Khi đó, bạn có thể thử cách chườm khăn ấm lên mắt trong vài phút. Độ ẩm từ vải ấm sẽ làm tan lượng dầu bị tắc cũng như làm dịu cảm giác khô, nhức khó chịu.

Bạn nên làm ướt chiếc khăn sạch trong nước ấm, vắt bớt nước và đặt lên mắt trong khoảng 5 phút, ấn nhẹ chiếc khăn lên mí mắt. Thực hiện cách này mỗi ngày trong khoảng 1 tuần sẽ thấy hiệu quả.

6.2 Uống nhiều nước

Nước giúp cho đôi mắt được cấp ẩm, đảm bảo mắt tiết đủ nước mắt, tránh tình trạng khô mắt. Hãy đảm bảo bạn uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2 lít nước mỗi ngày), đừng đợi tới khi cảm thấy khát mới uống nước vì khi đó cơ thể bạn đã bị mất nước. Nếu cần thiết, hãy mang theo chai nước bên mình để uống khi cần.

6.3 Đắp mặt nạ dưa leo cho mắt

Nghiên cứu cho thấy, dưa leo có khả năng giảm sưng tại khu vực xung quanh mắt, cấp ẩm cho đôi mắt. Dưa leo chứa hàm lượng nước rất cao, nên có thể dưỡng ẩm cho đôi mắt.

Nước dưa leo có thể thẩm thấu qua da, giúp da được cấp ẩm và giảm tình trạng khô mắt. Bạn chỉ cần cắt 2 lát dưa leo và áp lên mắt trong khoảng 15 phút, thực hiện khoảng 2 lần/tuần.

7. Khô mắt nên ăn gì?

Nếu mắc chứng khô mắt bạn nên thường xuyên ăn một số thực phẩm dưới đây:

7.1 Thực phẩm giàu omega-3

Các axit béo omega-3 đóng vai trò quan trọng trong việc chống sưng, viêm, kích thích sản sinh nước mắt. Theo nghiên cứu mới đây, các bệnh nhân bị khô mắt đã nhận thấy sự cải thiện rõ rệt sau khi bổ sung các thực phẩm giàu omega-3 vào chế độ ăn.

Những thực phẩm giàu omega-3 có thể kể như cá hồi, cá ngừ, hạt chia, đậu tương, quả óc chó,…

7.2 Thực phẩm chứa nhiều vitamin A

Các thực phẩm giàu vitamin A như gan động vật, cà rốt, bí ngô, ớt chuông đỏ, cần tây, cá và các sản phẩm từ sữa…

Lời khuyên: Để phòng chống bị khô mắt bạn nên thực hiện hành động chớp mắt thường xuyên mỗi khi đọc sách, xem phim hay làm việc trên máy tính. Hành động này sẽ giúp nước mắt được trải đều và làm ẩm bề mặt giác mạc. Quan trọng hơn là bạn hãy để mắt được nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút làm việc liên tục. Bạn hãy thư giãn đôi mắt bằng cách nhắm mắt hoặc nhìn ra xa một vài phút rồi mới tiếp tục làm việc.

Bình luận