TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, người trưởng thành cần ngủ từ 7 - 8 giờ mỗi ngày, để đảm bảo cơ thể được phục hồi và duy trì sức khỏe tối ưu.
Mất ngủ tác động trực tiếp đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu sức khỏe và cuộc sống.
Mất ngủ là gì?
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến, trong đó người bệnh gặp các vấn đề về thời gian ngủ (không ngủ đủ giấc) hoặc chất lượng giấc ngủ (ngủ không sâu, gián đoạn, không thể quay lại giấc ngủ hoặc cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy dù ngủ đủ giấc).
Rối loạn giấc ngủ có thể được chia thành hai loại:
- Rối loạn giấc ngủ cấp tính: xảy ra trong thời gian ngắn, thường kéo dài dưới một tháng.
- Rối loạn giấc ngủ mãn tính: tình trạng mất ngủ hoặc giấc ngủ kém chất lượng kéo dài trên một tháng và xảy ra thường xuyên.
Triệu chứng bệnh mất ngủ
Tùy vào từng cá nhân và mức độ nghiêm trọng mà triệu chứng của bệnh mất ngủ sẽ khác nhau.
- Khó đi vào giấc ngủ: Mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ, trằn trọc nhiều giờ mà không ngủ được.
- Ngủ không sâu: Trạng thái lơ mơ, giấc ngủ chập chờn, thường xuyên bị giật mình tỉnh giấc.
- Thức giấc giữa đêm: Tỉnh giấc vào ban đêm và rất khó ngủ lại.
- Mệt mỏi khi thức dậy: Cơ thể uể oải, mệt mỏi và thiếu năng lượng.
- Mất tập trung: Suốt ngày dài, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, khó tập trung vào công việc, học tập; đôi khi cảm thấy buồn ngủ và ngủ gật tại cơ quan hoặc lớp học.
- Chóng mặt, nhức đầu: Một số người có thể gặp các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, hoặc cảm giác choáng váng vào buổi sáng sau khi thức dậy.
- Không tỉnh táo: Dù ngủ đủ, người bệnh vẫn cảm thấy buồn ngủ, hoặc gặp tình trạng mơ màng, không tỉnh táo.
Nguyên nhân gây mất ngủ
Nguyên nhân gây mất ngủ có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau gồm:
- Lão hóa: Người lớn tuổi dễ gặp vấn đề này do các thay đổi trong hoạt động, hình thái ngủ, cơ thể và sức khỏe.
- Căng thẳng, lo âu: Tâm lý căng thẳng, lo lắng về công việc, tài chính hay học tập có thể gây rối loạn giấc ngủ.
- Bệnh lý nền: Các bệnh như huyết áp cao, đái tháo đường, đau xương khớp… khiến giấc ngủ bị gián đoạn.
- Tác dụng phụ thuốc: Một số loại thuốc điều trị bệnh có tác dụng phụ gây mất ngủ.
- Béo phì: Rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất liên quan đến béo phì là ngưng thở khi ngủ, thường xuyên ngáy to.
- Yếu tố thần kinh: Rối loạn lo âu, trầm cảm, hoặc bệnh lý về tâm thần có thể gây mất ngủ. Ngoài ra, thuốc điều trị bệnh tâm thần cũng tác động đến giấc ngủ.
- Thay đổi múi giờ: Đi du lịch, công tác… có thể làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể, gây mất ngủ.
- Lối sống không lành mạnh: Thói quen dùng bia, rượu, thuốc lá, ăn uống quá no hoặc tiếp xúc với thiết bị điện tử trước khi ngủ là nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ.
- Môi trường sống: Phòng ngủ bừa bộn, nóng nực, không thông thoáng hoặc bên ngoài ồn ào khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Tóm lại, rối loạn giấc ngủ do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong một số trường hợp, tình trạng bệnh có thể bắt nguồn từ một hoặc nhiều nguyên nhân.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Mất ngủ xảy ra ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Người lớn tuổi: Quá trình lão hóa tự nhiên khiến cơ thể khó duy trì chu kỳ giấc ngủ như khi còn trẻ.
- Phụ nữ: Các giai đoạn như chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, hoặc cho con bú là thời điểm dễ gặp rối loạn giấc ngủ do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
- Người sử dụng chất kích thích: Các chất kích thích như cà phê, rượu hoặc thuốc lá… có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Người trẻ tuổi và trung niên: Lối sống không lành mạnh, lo lắng về các vấn đề trong công việc, cuộc sống… dễ gây rối loạn giấc ngủ.
- Trẻ em: Áp lực học tập lớn khiến các bé rơi vào tình trạng mất ngủ.
TS.BS Nguyễn Thị Sơn
Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.