Tiêu điểm: Nhân Humanity

Rối loạn tiền đình nên uống thuốc gì?

Rối loạn tiền đình là cụm từ được nghe phổ biến nhưng ít ai hiểu đúng và đầy đủ về căn bệnh này. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nó.

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Tiền đình là hệ thống thuộc hệ thần kinh nằm ở phía sau 2 bên của ốc tai. Vai trò quan trọng là duy trì tư thế, dáng bộ, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Ở đây, các tín hiệu âm thanh được chuyển từ dạng cơ học sang dạng xung thần kinh để dẫn truyền dây thần kinh thính giác (dây số 8) truyền về não.

Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương khu vực tai trong và não khiến cơ thể mất khả năng kiểm soát cân bằng. Rối loạn tiền đình cũng có thể do các yếu tố di truyền và môi trường.

roi-loan-tien-dinh-nen-uong-thuoc-gi-voh-1

Người bị rối loạn tiền đình thường bị choáng váng, không giữ được thăng bằng (Nguồn: Internet)

Rối loạn tiền đình gay gặp ở tuổi trung niên nhưng hiện nay nó xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Rối loạn tiền đình rất dễ tái phát, ảnh hưởng nhiều đến công việc và chất lượng cuộc sống. Người ta thấy rằng, rối loạn tiền đình dễ xuất hiện ở những người thường xuyên làm việc căng thẳng, ít ngủ, uống rượu bia nhiều hoặc phụ nữ đang ở giai đoạn tiền mãn kinh.

Hầu hết người bị rối loạn tiền đình đều có triệu chứng chính là chóng mặt, hoa mắt, không làm chủ được tư thế, choáng váng, đứng lên, ngồi xuống khó khăn, nhất là khi xoay người thay đổi tư thế (nghiêng sang trái, sang phải) hoặc bước đi khó khăn vì loạng choạng rất dễ ngã. Bệnh nhân cũng có thể bị đau đầu, tê chân, không tập trung, mau quên, nhịp tim nhanh,…

2. Rối loạn tiền đình nên uống thuốc gì?

Rối loạn tiền đình điều trị cần đúng và dứt điểm để phòng tránh bệnh tái phát và gây biến chứng. Người bệnh không nên tự chẩn đoán và tự mua thuốc để điều trị.

Để điều trị rối loạn tiền đình, trước hết bạn có thể sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu như xoa bóp bấm huyệt, chườm ấm vùng cột sống cổ,…để giải quyết tạm thời tình trạng bệnh. Sau đó, bạn có thể dùng các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não như cinnarizin, flunarizine, vipocetin, duxil, tanganil, hay ginko biloba…

  • Cinnarizin là thuốc kháng histamin H1, được chỉ định trong rối loạn tiền đình với các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, choáng váng, ù tai. Thuốc cũng có tác dụng phòng ngừa say tàu xe, chứng đau nửa đầu, rối loạn tuần hoàn ngoại biên... Thuốc có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa.
  • Flunarizine là thuốc dự phòng đau nửa đầu, điều trị chứng chóng mặt do rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não... Tuy nhiên, thuốc có thể gia tăng triệu chứng ngoại tháp, trầm cảm và bộc phát hội chứng Parkinson.
  • Vipocetin là thuốc được chỉ định trong nhiều bệnh, đặc biệt đối với các bệnh về mạch máu não, trong đó có rối loạn tiền đình.
  • Duxil có tác dụng làm tăng oxy ở các mô, đặc biệt là ở mô não, do đó giúp cải thiện được các biểu hiện choáng váng.
  • Tanganil được dùng điều trị triệu chứng các trường hợp chóng mặt không rõ nguyên nhân như hội chứng tiền đình, chóng mặt sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật... Tuy nhiên, thuốc có tương tác với một số thuốc khác, do vậy phải thông báo với bác sĩ các loại thuốc khác bạn đang dùng.
  • Ginko biloba là chất cao chiết suất từ lá khô của cây ginko biloba, có tác dụng làm tăng tuần hoàn động mạch. Do vậy được chỉ định trong khá nhiều các bệnh liên quan tới tuần hoàn não.

Như vậy, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào chữa rối loạn tiền đình, bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng đúng cách.

roi-loan-tien-dinh-nen-uong-thuoc-gi-voh-2

Nên uống đúng thuốc để điều trị bệnh hiệu quả và không tái phát (Nguồn: Internet)

3. Rối loạn tiền đình ăn gì?

Người bị rối loạn tiền đình cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cụ thể cần lưu ý những điều sau:

  • Ăn nhiều rau củ quả để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Đặc biệt, các loại rau họ cải có nhiều vitamin B1, B6, B12, rất tốt trong việc ổn định hệ thống tiền đình.
  • Bổ sung nhiều nước mỗi ngày nhằm tăng cường lưu thông máu lên não.
  • Nên ăn nhạt hơn khẩu vị của người bình thường.
  • Hạn chế ăn đồ ngọt, đồ chiên rán.
  • Tránh xa các thuốc uống chứa chất kích thích, cafein.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên vận động cơ thể một cách thường xuyên, tốt nhất là đi bộ mỗi ngày khoảng 1 tiếng chia làm 2 – 3 lần. Tuy nhiên, không nên đi bộ lúc thời tiết trở lạnh hoặc nắng.

Bình luận