Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sốt xuất huyết: những kiến thức cần nắm rõ để phòng tránh

(VOH) – Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ lây truyền nhanh trong cộng đồng. Nếu không phòng ngừa và điều trị, người bệnh sốt xuất huyết có thể mắc nhiều biến chứng nguy hiểm.

Mỗi năm, vào mùa mưa ẩm ướt dịch sốt xuất huyết lại bùng phát, thậm chí số ca mắc bệnh còn có xu hướng gia tăng. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn thường có những triệu chứng cảnh báo giống nhau, vì thế, tìm hiểu đầy đủ kiến thức về căn bệnh này sẽ giúp bạn có thể phòng ngừa bệnh tốt nhất.

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một trong bốn loại virus Dengue gây ra, đó là virus DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4.  

Khi bạn bị nhiễm một trong các loại virus sốt xuất huyết, bạn sẽ có khả năng miễn dịch đối với virus đó trong suốt phần đời còn lại của mình. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch này sẽ không bảo vệ bạn khỏi các loại virus khác và bạn có thể bị nhiễm cả 4 loại virus Dengue khác nhau trong đời.

Người bình thường có thể bị nhiễm sốt xuất huyết thông qua vết đốt của muỗi vằn chứa virus Dengue.

sot-xuat-huyet-nhung-kien-thuc-can-nam-ro-de-phong-tranh-voh-0
Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra (Nguồn: Internet)

Bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát vào mùa mưa, tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và đi hút máu người, gây lây nhiễm virus Dengue.

Trước đây, bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay rất nhiều người lớn cũng mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này khá cao. Bệnh sốt xuất huyết có thể khiến cơ thể người bệnh trở nên đau nhức, đặc biệt là ở các khớp. Các triệu chứng của bệnh từ thể nhẹ đến thể nặng sẽ lần lượt xuất hiện, thậm chí một số trường hợp có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.

1.1 Bệnh sốt xuất huyết có lây không?

Sốt xuất huyết là bệnh không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Virus gây bệnh sốt xuất huyết chỉ lây bệnh bằng con đường muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua vết đốt.

Không có sự lây truyền trực tiếp bệnh sốt xuất huyết từ người sang người.

Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên là Aedes aegypti hoặc muỗi Aedes albopictus, chúng có thể đưa virus gây bệnh vào máu của bệnh nhân bằng cách chích (đốt) người bệnh. Muỗi Aedes aegypti hoạt động ban ngày, đặc biệt chỉ có muỗi cái mới có thể chích người và truyền bệnh.

1.2 Ai có nguy cơ cao bị sốt xuất huyết?

Những người sống hoặc đi du lịch đến những quốc gia ở vùng nhiệt đới hoặc các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao đều có khả năng bị nhiễm virus sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, những người có nguy cơ cao hơn bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Phụ nữ mang thai (virus có thể truyền từ mẹ sang thai nhi)
  • Người cao tuổi
  • Người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương

Xem thêm: Cách phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết, nhận biết đúng bệnh sẽ trị đúng cách

2. Triệu chứng sốt xuất huyết

Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em và người lớn thường đương đối giống nhau. Khi nhiễm virus gây bệnh, các triệu chứng thường bắt đầu sau khoảng 4 – 7 ngày. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng sẽ nhẹ. Chúng có thể bị nhầm với các triệu chứng của bệnh cúm hoặc một bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ nhỏ và những người chưa từng bị nhiễm bệnh có thể bị bệnh nhẹ hơn trẻ lớn và người lớn.

Các triệu chứng sốt xuất huyết thường kéo dài khoảng 10 ngày và có thể bao gồm:

  • Đột ngột, sốt cao (trên 39 độ C)
  • Nhức đầu dữ dội
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau khớp và cơ nghiêm trọng
  • Phát ban da (xuất hiện từ hai đến năm ngày sau cơn sốt ban đầu)
  • Buồn nôn từ nhẹ đến nặng
  • Nôn mửa từ nhẹ đến nặng
  • Chảy máu nhẹ từ mũi hoặc nướu răng
  • Có vết bầm nhẹ trên da
  • Co giật do sốt
sot-xuat-huyet-nhung-kien-thuc-can-nam-ro-de-phong-tranh-voh-1
Sốt xuất huyết có thể gây sốt cao trên 39 độ C (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Người bị sốt xuất huyết có thể gặp phải hội chứng sốc Dengue. Đây là thể bệnh dạng nặng của sốt xuất huyết, bao gồm tất cả các biểu hiện bệnh sốt xuất huyết nhẹ, kết hợp với các triệu chứng chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, sốc (huyết áp thấp). Thể bệnh này thường gặp ở trẻ em, có thể gây tử vong, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

Trẻ em bị bệnh sốt xuất huyết sau ngày thứ 3 sẽ có những dấu hiệu sốt cao, khiến ba mẹ nhằm là bệnh cúm, cảm lạnh hay nhiễm khuẩn đường hô hấp. Sau đợt sốt sẽ có những hiện tượng như:

  • Xuất huyết dưới da (thường xuất hiện ở mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi,…)
  • Chảy máu cam
  • Chảy máu chân răng

Xem thêm: Cách nhận diện sốt xuất huyết thể nhẹ, thể nặng để điều trị kịp thời

4. Các giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết được chia thành 3 giai đoạn tiến triển:

  • Giai đoạn 1: Triệu chứng bệnh thường sẽ bị nhầm lẫn với các căn bệnh thông thường, chẳng hạn bạn sẽ bị sốt cao khoảng 39 - 40 độ C trong 1-2 ngày đầu. Nếu muốn xác định bệnh sớm bạn cần đến các trung tâm y tế để làm xét nghiệm Dengue NS1.
  • Giai đoạn 2: Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt là giai đoạn rất nguy hiểm, bởi các triệu chứng thể nặng sẽ bắt đầu xuất hiện. Người bệnh cần được theo dõi sát sao và làm xét nghiệm tiểu cầu thường.
  • Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn phục hồi, người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, huyết động bắt đầu ổn định, người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu cũng tăng dần lên.

Xem thêm: Nhận biết ngay những dấu hiệu sốt xuất huyết nặng ở trẻ em

5. Chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết

5.1 Chẩn đoán

Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng xét nghiệm máu để kiểm tra các kháng thể virus hoặc sự hiện diện của nhiễm trùng. Ngoài ra, một số xét nghiệm khác có thể được yêu cầu thực hiện bao gồm:

  • Kiểm tra huyết áp
  • Kiểm tra da, mắt
  • Chụp X-quang phổi

Xem thêm: Các loại xét nghiệm sốt xuất huyết cơ bản và bổ sung bạn cần phải biết

5.2 Điều trị

Không có phương pháp đặc trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết. Mục tiêu của điều trị là giúp kiểm soát các triệu chứng và để tránh những biến chứng nặng xảy ra.

Hầu hết, các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh nên nghỉ ngơi tại giường, ăn các món mềm, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội), dung dịch oresol, nước trái cây,…

sot-xuat-huyet-nhung-kien-thuc-can-nam-ro-de-phong-tranh-voh-2
Mục tiêu điều trị sốt xuất huyết là giúp kiểm soát triệu chứng và tránh những biến chứng nặng xảy ra (Nguồn: Internet)

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để giảm sốt cho người bệnh như paracetamol dạng đơn độc, liều dùng tùy theo lứa tuổi. Người bệnh nên tránh dùng các thuốc giảm đau vì có khả năng làm tăng biến chứng chảy máu, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium.

Những trường hợp sốt xuất huyết nặng, có thể gây sốc hoặc chảy máu thì cần đến bệnh viện để cấp cứu ngay lập tức.

Lưu ý: Không nên cạo gió cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì cạo gió dùng lực và dầu nóng sẽ làm tổn thương cơ và giãn mạch, từ đó sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân do tình trạng xuất huyết nghiêm trọng hơn.

Xem thêm: Hiểu rõ hơn về phác đồ điều trị sốt xuất huyết và xác định tình trạng cần nhập viện

6. Biến chứng sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Các triệu chứng sốt xuất huyết thường khá giống với sốt virus, do đó nhiều người thường không quan tâm và lơ là trong việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng và gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Một số biến chứng nguy hiểm khi bệnh sốt xuất huyết không được điều trị là: xuất huyết nội tạng, giảm tiểu cầu, suy tim, suy thận, tràn dịch màng phổi...

Xem thêm: ‘Bỏ lỡ’ thời điểm điều trị , 7 biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm sau đây sẽ xảy ra

7. Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết

Không có vacxin phòng bệnh sốt xuất huyết. Chính vì thế, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất chính là thực hiện các biện pháp phòng tránh bị muỗi đốt. Một số biện pháp bạn có thể áp dụng bao gồm:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào bể, giếng, chum, vại,…
  • Vệ sinh các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần.
  • Thu gom, hủy các vật dụng, phế thải trong nhà và xung quanh, dọn vệ sinh môi trường.
  • Mặc quần áo dài tay vào buổi tối, nhất là trẻ em.
  • Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
  • Dùng bình xịt muỗi, nhang đuổi muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi,…
  • Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
  • Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh. Mỗi lần dịch bùng phát, rất nhiều người tử vong và hao tốn nhiều chi phí y tế. Vì thế, mỗi người dân hãy cố gắng có ý thức phòng ngừa bệnh. Khi có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ sốt xuất huyết, hãy đi khám tại cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận