Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bị suy nhược cơ thể cần làm gì để nhanh hồi phục sức khỏe?

(VOH) - Suy nhược cơ thể có thể gây ra các vấn đề như mệt mỏi, uể ỏa... lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Những người bị suy nhược cơ thể cần phải có một chế độ sinh hoạt, ăn uống cân bằng, khoa học.

Suy nhược cơ thể là hệ quả của việc cơ thể thường xuyên mệt mỏi nhưng không được nghỉ ngơi và ăn uống điều độ. Theo thời gian, tình trạng này có thể khiến cơ thể lâm vào kiệt quệ, mất sức, ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe, tinh thần.

1. Nguyên nhân gây suy nhược cơ thể

Nguyên nhân gây suy nhược cơ thể thường đến từ chính cuộc sống ngày của người bệnh. Ăn uống không đủ chất, tâm lý tiêu cực hay làm việc và học tập căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.

Ngoài ra, một số đối tượng dưới đây thường sẽ dễ rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể hơn:

  • Người lao động quá sức: Làm việc quá sức khiến năng lượng trong cơ thể tiêu hao nhiều nhưng ăn uống không đủ chất, không đảm bảo thời gian nghỉ ngơi sẽ dễ dẫn đến suy nhược cơ thể.
  • Người hay đau ốm: Khi bị ốm, người bệnh thường có cảm giác chán ăn, ăn không ngon, dinh dưỡng không được hấp thụ gây mệt mỏi, kiệt sức.
  • Người mới phẫu thuật: Sau phẫu thuật, người bệnh thường dễ lâm vào tình trạng suy nhược cơ thể do cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất, trong quá trình phẫu thuật cơ thể bị mất máu và tiêu hao năng lượng nhiều.
  • Người già yếu: Những người già thường có tâm lý ăn kiêng để phòng bệnh, tuy nhiên việc ăn kiêng quá mức sẽ gây thiếu chất và dẫn đến suy nhược ở người già.

2. Suy nhược cơ thể biểu hiện bên ngoài thế nào?

Các triệu chứng thường gặp nhất ở những người bị suy nhược cơ thể chính là:

  • Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn, đôi khi còn gặp phải ác mộng.
  • Có hiện tượng mỏi cơ như đau nhức cơ, chuột rút, đau lưng, mệt mỏi khi vận động.
  • Thường bị ù tai, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu và sợ ánh sáng.
  • Có cảm giác chán ăn, đầy hơi, buồn nôn, giảm ngon miệng.
  • Sụt cân không kiểm soát.
  • Ngoài ra, người bị suy nhược cơ thể còn thường gặp các rối loạn âu lo với cảm giác bồn chồn, khó chịu trong cơ thể, lo sợ, bi quan, mệt, uể oải, hay đổ mồ hôi trộm, da xanh xao tái nhạt, đôi khi bị ngất xỉu.

bi-suy-nhuoc-co-the-can-lam-gi-de-nhanh-hoi-phuc-suc-khoe-voh

Người bị suy nhược thường có cảm giác chán ăn (Nguồn: Internet)

3. Bị suy nhược cơ thể nên làm gì?

Theo Ths.BS Nguyễn Ngọc Quang  - Trưởng khoa điều trị nội trú, BV Tâm thần TPHCM, suy nhược cơ thể là tình trạng bệnh lý kéo dài và khả năng hồi phục của cơ thể đã bị quá tải. Việc chẩn đoán bệnh không khó và tùy theo nguyên nhân sẽ có những cách khắc phục cho phù hợp.

3.1 Bệnh nhân sau phẫu thuật, sinh đẻ

Những đối tượng này, thông thường cơ thể sẽ giảm sút toàn thân nên bên cạnh điều trị bằng thuốc, cần phải bổ sung nước, điện giải và đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng.

Thực đơn ăn uống cần đảm bảo đủ 4 thành phần: đạm, béo, bột đường, vitamin. Ngoài ra, cần bổ sung thêm nhiều rau xanh như súp lơ, cải thìa, những loại thực phẩm chứa nhiều axit folic và vitamin tốt cho sức khỏe, dễ ăn. Ăn nhiều các loại trái cây như thanh long, nho, cam...

Nên ăn nhiều những món ăn mà mình có cảm giác ngon và thích thú. Nếu ăn uống không ngon miệng nên chế biến các món ăn ở dạng loãng, dễ tiêu.

3.2 Người lao động quá sức

bi-suy-nhuoc-co-the-can-lam-gi-de-nhanh-hoi-phuc-suc-khoe-1-voh

Suy nhược cơ thể do làm việc quá sức cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý (Nguồn: Internet)

Với những đối tượng này cần ăn uống đủ chất đạm, lipit (thịt, cá, trứng,…) và cần chú ý thêm đến chế độ nghỉ ngơi, học tập và làm việc hợp lý, phải đảm bảo giấc ngủ trưa từ 30 phút đến 1 giờ.

Tránh bị stress, tập thư giãn, tập thở là một trong những phương pháp tốt giúp cơ thể điều chỉnh nhịp thở. Cần xoa bóp chân tay, nhất là vùng lưng và các khớp gối.

Không uống cà phê, bia rượu, hút thuốc lá. Nếu các biểu hiện suy nhược không được cải thiện cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thích hợp.

3.3 Người bị rối loạn trầm cảm, âu lo, rối loạn thần kinh

Những trường hợp này cần phải dùng thuốc chống trầm cảm và lo âu. Việc điều trị cần thực hiện liên tục và kéo dài trung bình 6 tháng đến 2 năm. Đồng thời cần phải có bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tâm lý, nội thần kinh theo dõi.

4. Người bị suy nhược cơ thể nên ăn gì?

Những người bị suy nhược cơ thể cần có một chế độ nghỉ ngơi phù hợp và chế độ dinh dưỡng là một phần không thể thiếu. Lựa chọn các món ăn nhiều chất dinh dưỡng, các món dạng lỏng như cháo, súp, canh tiềm dễ tiêu hóa và hấp thu sẽ giúp cơ thể nhanh hồi phục. Một số món ăn tốt cho người suy nhược cơ thể phổ biến như: gà ác tiềm nhân sâm, gà ác tiềm hạt sen - táo đỏ, giò heo tiềm củ sen, gà hầm nấm đông cô, cháo bồ câu hạt sen - kỷ tử, tim heo tiềm ngải cứu...

Bạn có thể tham khảo thêm các món ăn bên dưới:

4.1 Thịt heo hầm thuốc bắc

Đây là món ăn hàng đầu giúp bồi bổ khí huyết. Thịt heo chứa nhiều dinh dưỡng nếu được kết hợp với những nguyên liệu tốt cho sức khỏe sẽ giúp cải thiện tình trạng suy nhược đáng kể.

  • Nguyên liệu: Chuẩn bị 100g thịt heo, 15g thuốc hoàng kỳ, 10g đẳng sâm.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu, thịt heo nạc cắt miếng vừa ăn. Cho thịt heo, hoàng kỳ, đẳng sâm vào nồi, nêm nếm gia vị vừa ăn. Hầm đến khi thịt chín mềm. Thưởng thức cả cái và nước để bồi bổ cơ thể suy nhược.

4.2 Canh nghêu cà rốt đậu

Nghêu, cà rốt và đậu đỏ đều là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng tăng cường sức khỏe và chống suy nhược cơ thể rất tốt.

  • Nguyên liệu: 200g nghêu, 100g cà rốt, 100g đậu đỏ, 15g xuyên khung và gia vị.
  • Cách thực hiện: Đậu đỏ ngâm khoảng 2 - 3 tiếng trước khi nấu, cà rốt cạo vỏ, rửa sạch, cắt thành khoanh mỏng. Nghêu ngâm rửa sạch, cho vào nồi luộc cho đến khi nghêu vừa chín tới thì tắt bếp, gạn lấy nước và nghêu bóc lấy phần thịt. 
  • Dùng nước luộc nghêu thêm vào một ít nước lọc sao cho vừa khoảng 700ml nước, đồng thời thêm đậu đỏ. Nấu khoảng 15 phút thì thêm cà rốt. Nấu đến khi cà rốt mềm nhừ thì trút thịt nghêu vào, đảo đều rồi nêm nếm gia vị vừa miệng là món ăn hoàn thành. Thưởng thức món ăn ngay khi còn nóng.

4.3 Cháo chim cút mè đen

Chim cút có hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, thành phần đạm vượt xa các thực phẩm khác như: gà, bò, heo.. nên đây sẽ là món ăn cần được bổ sung vào vào thực đơn của người bị suy nhược cơ thể, tỳ vị yếu, hệ tiêu hóa kém.

  • Nguyên liệu: 2 con chim cút, 100g gạo nếp, 50g mè đen và gia vị.
  • Cách thực hiện: Chim cút rửa sạch, chặt thành từng miếng vừa ăn. Hành, tỏi phi thơm cho chim cút vào xào nhanh với lửa, nêm thêm ít gia vị. Gạo nếp và mè đen vo sạch cho vào nồi, thêm nước, nấu cháo. Khi cháo chín, cho chim cút vào, trộn đều và nêm gia vị vừa ăn. Nên ăn món cháo chim cút ngay khi còn nóng.

Thực tế, đối với những người bị suy nhược cơ thể ngoài việc điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ thì đều quan trọng hơn cả chính là người bệnh phải thay đổi lối sống, cách tập luyện để cho thân lẫn tâm đều có thể lập lại quân bình, từ đó giúp cơ thể phục hồi một cách trọn vẹn.

Bình luận