Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nguyên nhân, triệu chứng thiếu vitamin A và cách điều trị

(VOH) – Vitamin A là 1 trong những vi chất cần thiết cho sức khỏe. Do đó, cơ thể thiếu vitamin A sẽ gây ra rất nhiều vấn đề như khiến bé chậm lớn, dễ mắc bệnh khô mắt, nhiễm trùng, tăng tỉ lệ tử vong.

Tình trạng thiếu vitamin A ngày càng tăng cao trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Những người có nguy cơ thiếu hụt vitamin A thường gặp nhất là phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số bệnh lý như xơ nang và tiêu chảy mãn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin A.

1. Nguyên nhân thiếu hụt vitamin A

Hàm lượng vitamin A trong cơ thể thường bị thiếu hụt nguyên nhân là do:

1.1 Cung cấp thiếu

Một chế độ dinh dưỡng có quá nhiều bột gạo nhưng không có dầu mỡ hoặc một chế độ ăn ít rau quả, thức ăn động vật có chứa vitamin A đều có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

Ngoài ra, trẻ em được nuôi bằng sữa tách béo cũng sẽ làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin A.

1.2 Hấp thu kém

thieu-vitamin-a-voh-0
Thiếu vitamin A có thể cơ thể đang mắc một số bệnh lý làm cản trở việc hấp thụ vitamin A (Nguồn: Internet)

Trẻ em mắc một số bệnh lý như: tiêu chảy kéo dài, các bệnh gan mật (suy gan, tắc mật), bị suy dinh dưỡng nặng hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn sởi, kiết lỵ, việc hấp thu vitamin A sẽ khó khăn hơn, từ đó dễ dẫn đến thiếu hụt.

1.3 Điều kiện thuận lợi

Nguyên nhân trẻ em thường hay bị thiếu hụt vitamin A là do nhu cầu hấp thu ở trẻ em cao gấp 5 - 6 lần so với người lớn. Bên cạnh đó, những trẻ bị suy dinh dưỡng, bị nhiễm khuẩn đều thuộc nhóm nguy cơ cao thiếu hụt vitamin A.

2. Triệu chứng thiếu vitamin A

Cơ thể thiếu vitamin A sẽ xuất hiện rất nhiều triệu chứng lâm sàng dễ nhận biết như:

2.1 Triệu chứng toàn thân

Bạn có thể nhận biết các dấu hiệu thiếu vitamin A thông qua các triệu chứng toàn thân như:

  • Da khô: Thiếu hụt vitamin A có thể khiến da bị khô, cũng như tăng khả năng xuất hiện các tình trạng viêm da khác. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng da khô có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.
  • Chậm tăng trưởng: Trẻ em không được cung cấp đủ vitamin A có thể bị còi cọc, chậm phát triển. Điều này là do vitamin A cần thiết cho sự phát triển của cơ thể con người. Ngoài ra, trẻ em thiếu vitamin A còn dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa.
  • Nhiễm trùng cổ họng và ngực: Thường xuyên bị nhiễm trùng, đặc biệt là ở cổ họng hoặc ngực, có thể là dấu hiệu thiếu vitamin A.
  • Vết thương chậm hồi phục: Vết thương không lành sau chấn thương hoặc phẫu thuật có thể là do cơ thể bạn đang bị thiếu hụt vitamin A.
  • Dễ nổi mụn: Khi mức độ vitamin A thấp trong cơ thể có thể làm xuất hiện mụn trứng cá.

2.2 Triệu chứng tại mắt

thieu-vitamin-a-voh-1
Tùy vào mức độ thiếu vitamin A các triệu chứng ở mắt sẽ khác nhau (Nguồn: Internet)

Tùy theo mức độ và thời gian cơ thể thiếu vitamin A mà các tổn thương ở mắt có thể nhẹ hoặc nặng:

  • Quáng gà: Thiếu vitamin A sẽ khiến mắt bị giảm khả năng thích nghi và khả năng nhìn trong điều kiện thiếu ánh sáng. Đi vào những nơi thiếu ánh sáng hoặc trời chập tối sẽ không nhìn rõ nên đi loạng choạng, dễ vấp ngã, không nhận biết được người quen.
  • Khô kết mạc: Khi bị thiếu vitamin A, màng tiếp hợp dễ bị khô, không bóng ướt, kết mạc dày và có nếp nhăn, màu vàng nhạt, xám nhạt hoặc nâu sẫm.
  • Vệt Bitot: Đây là một tình trạng mà trên mắt xuất hiện vệt trắng.
  • Khô giác mạc: Giác mạc bị khô, mờ đục và mất bóng sáng là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu vitamin A.

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, khi thực hiện xét nghiệm sẽ thấy hàm lượng vitamin A trong máu giảm dưới 10 µg% (mức bình thường từ 20 – 50 µg%). Mức RBP trong máu giảm (bình thường từ 20 - 30μg/ml).

3. Thiếu vitamin A bị bệnh gì?

Thiếu vitamin A không chỉ ảnh hưởng đến việc tăng cường thị lực, phát triển chiều cao mà còn gây ra rất nhiều các vấn đề sức khỏe.

3.1 Các bệnh về mắt

Thiếu vitamin A có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý về mắt như: quáng gà, khô mắt,... Đặc biệt, tình trạng khô mắt nếu không được điều trị sớm thì sẽ dễ gây viêm kết giác mạc, viêm kết mạc, biến chứng sẹo giác mạc, thậm chí gây mờ mắt hoặc mù lòa.

Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh về mắt khá cao do đây là đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin A. Vì thế, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý bổ sung vitamin A cho trẻ đúng cách và đầy đủ.

3.2 Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Thiếu vitamin A sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng chiều cao và khả năng miễn dịch của trẻ.

Người lớn hay trẻ nhỏ thiếu hụt vitamin A sẽ thường xuyên sẽ dễ dẫn đến mệt mỏi, chậm phát triển và rụng tóc nhiều. Sức đề kháng cũng sẽ bị suy giảm, dễ mắc các bệnh tiêu hóa, hô hấp.

 3.3 Dễ mắc các bệnh về da

thieu-vitamin-a-voh-2
Thiếu vitamin A làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da (Nguồn: Internet)

Vitamin A rất quan trọng đối với việc tạo ra và sửa chữa các tế bào da. Nó cũng giúp chống lại chứng viêm do một số vấn đề về da. Do đó, thiếu vitamin A có thể là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của bệnh chàm và các vấn đề về da khác

3.4 Tăng nguy cơ mắc bệnh về gan

Thiếu hụt vitamin A có thể gây một số vấn đề tại gan như: ứ mật mạn tính, xơ gan, ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng gan. Cơ thể bạn cũng có thể xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc, nóng trong người,…

3.5 Bệnh sởi

Thiếu vitamin A là một yếu tố nguy cơ của bệnh sởi nặng ở trẻ em.

Xem thêm: Nhận biết các triệu chứng bệnh sởi đầu tiên ở trẻ nhỏ để chữa trị tốt hơn

4. Chẩn đoán và điều trị thiếu vitamin A

Chẩn đoán cơ thể thiếu hụt vitamin A sẽ dựa trên những đánh giá lâm sàng và phản ứng với vitamin A. Đồng thời người bệnh sẽ làm xét nghiệm mức độ retinol trong huyết thanh.

Cơ thể thiếu vitamin A bắt buộc sẽ phải được bổ sung đầy đủ. Tuy nhiên, liều lượng bổ sung thế nào bạn cần tham vấn ý kiến bác sĩ để có thể đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Vitamin A có thể được bổ sung bằng đường uống, hoặc được tiêm bắp sâu. Một số trường hợp sẽ được chỉ định nhỏ dung dịch tại mắt.

Xem thêm: Hướng dẫn cách bổ sung vitamin A đầy đủ  

5. Phòng ngừa thiếu hụt vitamin A

Để phòng ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin A, bạn nên đảm bảo một chế độ ăn uống bao gồm:

  • Các loại rau lá xanh đậm, trái cây có màu đậm hoặc sáng màu (đu đủ, cam), cà rốt và rau củ màu vàng (bí, bí ngô)...
  • Các loại ngũ cốc tăng cường vitamin A.
  • Một số loại khác như: gan, lòng đỏ trứng và dầu gan cá rất hữu ích.

Lưu ý: Carotenoid – một dạng chất được chuyển hóa thành vitamin A khi vào cơ thể - sẽ được hấp thụ tốt hơn khi tiêu thụ với một số chất béo trong chế độ ăn uống.

Xem thêm: Mách bạn 10 thực phẩm giàu vitamin A nhất nên có trong bữa ăn hàng ngày

Có thể thấy, tình trạng thiếu vitamin A là vô cùng phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân đang bị thiếu vitamin A, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và nhận được những chỉ định bổ sung phù hợp.

Bình luận