Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ung thư vòm họng – nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết sớm

(VOH) - Ung thư vòm họng rất dễ mắc phải và tiến triển rất nhanh. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu và điều trị đúng cách thì người bệnh có cơ hội sống cao.

1. Ung thư vòm họng là gì?

Ung thư vòm họng là loại bệnh ung thư xảy ra ở vòm họng, là bệnh ác tính xuất phát từ niêm mạc vòm họng. Đây là một dạng hiếm của ung thư đầu cổ, thường xuyên xảy ra ở khu vực Đông Nam Á.

Ung thư vòm họng có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thông qua mô, hệ thống bạch huyết và máu. Di căn phổ biến nhất là xương, phổi và gan.

Ung thư vòm họng gồm có 4 giai đoạn:

ung-thu-vom-hong-nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet-som-voh-1

Hình ảnh khối u xuất hiện ở vòm họng (Nguồn: Internet)

  • Ung thư vòm họng giai đoạn 1: Khối u nhỏ giới hạn trong vòm họng.
  • Ung thư vòm họng giai đoạn 2: Khối u mở rộng hơn trong khu vực vòm họng.
  • Ung thư vòm họng giai đoạn 3: Khối u lớn, có hoặc không có bệnh ở cổ.
  • Ung thư vòm họng giai đoạn cuối (giai đoạn 4): Khối u lớn liên quan đến vùng nội sọ hoặc vùng da trĩ, có thể di căn.

2. Nguyên nhân ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng nguyên nhân là do sự kết hợp của các yếu tố như virus, ảnh hưởng từ môi trường và yếu tố di truyền.

Ảnh hưởng của virus có liên quan đến nhiễm trùng với virus Epstein-Barr (EBV). Mặc dù nhiễm EBV sẽ có khả năng mắc bệnh nhưng không phải tất cả các trường hợp nhiễm EBV đều bị ung thư vòm họng.

Trong thực tế, có những trường hợp một người có tất các các yếu tố nguy cơ nhưng lại không mắc bệnh, trong khi những người khác lại bị ung thư vòm họng mà không có bất kì yếu tố nào cả.

Dưới đây là các yếu tố nguy cơ là tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư vòm họng:

2.1 Đồ ăn lên men, ướp muối

Các loại thực phẩm lên men hoặc các loại thực phẩm được chế biến bằng cách ướp muối mặn (thịt, cá khô, trứng muối,…) có rất nhiều nitrate và nitrite, chúng có thể phản ứng với protein tạo thành hợp chất nitrosamine làm tổn thương ADN. Kết hợp với chế độ ăn uống thiếu vitamin và khoáng chất, chúng sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vòm họng.

2.2 Khói thuốc lá, đồ uống có cồn

Theo Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh, người hút thuốc lá trong thời gian dài (30 năm trở lên) có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao gấp 3 lần bình thường. Trong khói thuốc lá có hơn 70.000 hóa chất, trong đó có nhiều hóa chất độc hại làm tổn thương hệ gen của tế bào lành, làm phát sinh ung thư.

Rượu bia và các đồ uống có cồn cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng và các loại ung thư khác.

2.3 Các bệnh lý tai – mũi – họng

Bệnh lý tai mũi họng rất thường gặp ở nước ta do khí hậu nóng ẩm cộng với môi trường ngày càng ô nhiễm. Những người thường xuyên mắc các bệnh lý tai mũi họng không được điều trị triệt để cũng có nhiều nguy cơ mắc ung thư vòm họng hơn.

2.4 Một số hóa chất độc hại

Hiệp hội Ung thư Mỹ chỉ ra, tiếp xúc lâu với bụi gỗ và formaldehyde có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Formaldehyde là một loại hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, có nhiều trong vật dụng gia đình như sơn tường, sơn cửa, keo dán, gỗ ép công nghiệp...

3. Triệu chứng ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng thường được phát hiện muộn do bệnh tiến triển âm thần. Ung thư vòm họng triệu chứng ban đầu thường không đặc thù, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Hơn nữa, vùng vòm ở sâu, là khu vực không dễ tiếp cận để thăm khám đối với các bác sĩ không chuyên khoa.

Các triệu chứng của ung thư vòm họng chủ yếu xuất phát từ các cơ quan lân cận và thường biểu hiện ở một bên.

  • Biểu hiện ở mũi: Ngạt tắc mũi, chảy mủ mũi, chảy máu mũi, nói giọng mũi.
  • Biểu hiện ở tai: Khối u làm tắc vòi tai gây viêm tai giữa, biểu hiện là đau tai, ù tai, chóng mặt, nghe kém, có thể chảy mủ tai.
  • Biểu hiện ở mắt: Khối u lan rộng vào nền sọ, gây liệt các dây thần kinh chi phối hoạt động mắt, biểu hiện là lác mắt, lồi mắt, sụp mi, giảm thị lực,…
  • Hạch cổ: Nổi hạch ở cổ là dấu hiệu ung thư vòm họng thường gặp, chiếm 60 – 90% các trường hợp mắc bệnh.

Ngoài ra, người bệnh ung thư vòm họng còn có các biểu hiện toàn thân như đau đầu, sụt cân trong thời gian ngắn mà không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân,…

Nhìn chung, ung thư vòm họng dấu hiệu khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Vì vậy, ngay khi có những biểu hiện bất thường về tai – mũi – họng mà tái phát liên tục thì bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để thực hiện thăm khám và kiểm tra.

4. Điều trị ung thư vòm họng

Để xác định phương pháp điều trị ung thư vòm họng phù hợp, các bác sĩ sẽ dựa vào những yếu tố sau:

  • Giai đoạn ung thư vòm họng.
  • Kích thước khối u.
  • Tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Bác sĩ sẽ sử dụng 3 phương pháp điều trị tiêu chuẩn, bao gồm:

4.1 Xạ trị

Sử dụng chùm tia năng lượng cao, chẳng hạn như tia X hoặc chùm proton, để tiêu diệt tế bào ung thư.

4.2 Hóa trị

Dùng thuốc có sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị liệu có thể ở dạng thuốc viên, truyền tĩnh mạch hoặc cả hai. Bác sĩ có thể sử dụng hóa trị để điều trị ung thư vòm họng cùng lúc, sau hoặc trước khi xạ trị.

4.3 Phẫu thuật

Bác sĩ thường không tiến hành phẫu thuật để điều trị ung thư vòm họng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể dùng phương pháp này để loại bỏ ung thư hạch bạch huyết ở cổ.

5. Phòng ngừa ung thư vòm họng bằng cách nào?

ung-thu-vom-hong-nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet-som-voh-2

Hạn chế sử dụng thực phẩm lên men để phòng tránh ung thư vòm họng (Nguồn: Internet) 

Để phòng bệnh ung thư vòm họng bạn cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ. Chế độ ăn nhiều rau củ quả, hạn chế ăn các thức ăn muối, lên men, đồ nướng cháy, đồ ăn nhiều dầu mỡ,... là biện pháp để bạn tránh khỏi bệnh ung thư vòm họng cũng như các loại bệnh ung thư khác.

Tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Tiêm phòng vacxin đầy đủ, đặc biệt vacxin cúm, vệ sinh mũi họng hàng ngày để phòng tránh các bệnh tai mũi họng thông thường.

Ung thư vòm mũi họng nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ có tiên lượng rất tốt. Do đó, bạn cần có ý thức về bệnh, khi có các triệu chứng nghi ngờ cần đi khám để phát hiện sớm bệnh.

Bình luận