Tiêu điểm: Nhân Humanity

100% ĐBQH thông qua Luật Phòng, chống HIV/AIDS

(VOH) - Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

Chiều 16/11, với 100% ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Quốc hội

Các đại biểu thông qua Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi. Ảnh: VGP

Trước đó, Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, về thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định người có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính; Có ý kiến đề nghị quy định ngay trong Luật trình tự, thủ tục thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, nhưng cũng có ý kiến đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung quy định người đứng đầu cơ sở xét nghiệm có trách nhiệm thực hiện việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính, đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hình thức, quy trình thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV.

Về đối tượng được thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính, có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng “người chuẩn bị kết hôn”, đề nghị bổ sung “người chung sống như vợ chồng”.

Theo bà Thúy Anh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bỏ đối tượng “người chuẩn bị kết hôn”; bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho “người chung sống như vợ chồng” vào Điểm b, Khoản 2 Điều 4.

Về kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, có một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ nguồn lực thực hiện chính sách xét nghiệm HIV miễn phí đối với phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV.

Về vấn đề trên, bà Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, để duy trì tính ưu việt của chính sách hiện hành, đồng thời bảo đảm tính khả thi, tính công bằng giữa các nhóm đối tượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo chỉ định chuyên môn.

Các điểm mới của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Theo đó, Luật đã bổ sung một số đối tượng có hành vi nguy cơ cao được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao trong một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV; bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV để tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ phơi nhiễm, người phơi nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, Luật cũng giảm độ tuổi được yêu cầu xét nghiệm HIV tự nguyện xuống 15 tuổi để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay, giúp phát hiện, điều trị sớm và thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm ra cộng đồng. Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV để phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, giám sát dịch tễ và phòng, ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV.

Đồng thời, xác định nguồn chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai để đảm bảo tính khả thi và nguồn lực thực hiện chính sách. Xác định nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS để bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam.

Bình luận