Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ấn tượng 2022 - “vượt khó” 2023 từ chuyển đổi số, doanh nghiệp số, doanh nhân số

(VOH) - Năm 2023 dự báo khó khăn, thách thức khi năm 2022 kinh tế - xã hội Việt Nam đạt nhiều chỉ số tích cực, ấn tượng. Chuyển đổi số toàn diện là thông điệp hành động, kỳ vọng “vượt khó” năm 2023.

Thế giới 8 tỷ người vừa trải qua các sự kiện countdown khắp nơi trong thời khắc chuyển giao chào đón năm mới 2023, tạm biệt năm 2022 nhiều biến động, từ xung đột Ukraine đến những lạm phát kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

100 triệu dân Việt Nam chào đón năm mới 2023 với cảm xúc hân hoan khi năm 2022 kết thúc với nhiều thành tựu nổi bật trên hầu hết mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Tình hình an ninh, chính trị ổn định, đời sống xã hội bình yên, cuộc sống người dân yên vui, hạnh phúc, kinh tế phát triển trong kiểm soát các chỉ số biến động.

Với GDP hơn 400 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng hơn 8% là thành tựu kinh tế “trong mơ” đối với các quốc gia khác trong bối cảnh diễn biến phức tạp tình hình địa chính trị thế giới.

TPHCM tăng trưởng GRDP hơn 9%, thu ngân sách hơn 470.000 tỷ đồng, tăng hơn 22% cũng là con số tăng trưởng ấn tượng.

Ấn tượng 2022 - “gỡ khó” 2023 từ chuyển đổi số, doanh nghiệp số, doanh nhân số 1
Năm 2022 TPHCM tăng trưởng GRDP hơn 9%. Ảnh minh họa.

Năm 2022 cũng xảy ra nhiều chuyện “rúng động” xã hội.

Hàng loạt quan chức, cựu quan chức từ Trung ương đến địa phương bị xử lý pháp luật về những vi phạm, tham nhũng. Những vụ án kinh tế nổi cộm, bắt giữ nhiều “Đại gia” liên quan móc ngoặc thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản.

Chuyện khan hiếm xăng dầu với cảnh xếp hàng mua xăng, đóng cửa các cây xăng, đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội, đến mức Thủ tướng phải ra công điện chỉ đạo quyết liệt tình hình mới bình ổn trở lại.

Những chuyện “rúng động” năm 2022 xét cho cùng cũng là những chuyển động tích cực nhằm siết chặt kỷ cương, trong sạch đội ngũ, lành mạnh hoá thị trường chứng khoán, hoạt động kinh tế, củng cố thêm niềm tin cho doanh nghiệp và người dân.

Ấn tượng 2022 - “gỡ khó” 2023 từ chuyển đổi số, doanh nghiệp số, doanh nhân số 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU và thăm 3 nước châu Âu cuối năm 2022.

Năm 2022 khép lại trong bối cảnh khá đặc biệt.

Lãnh đạo đất nước liên tục “xuất ngoại” ký kết và thỏa thuận nhiều vận hội mới cho tăng trưởng kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo.

Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế nâng tầm rõ rệt thông qua các phát ngôn, thỏa ước mà các tổ chức quốc tế và các quốc gia lớn cam kết khi đánh giá sức hút và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực ngày càng tăng.

Nửa tháng cuối năm Thủ tướng Chính phủ bận rộn chỉ đạo nhiều hội nghị tổng kết và sự kiện lớn của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến triển khai các quyết sách điều hành kinh tế - xã hội quan trọng của Chính phủ.

Những phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng là thông điệp “truyền cảm hứng” kích hoạt toàn xã hội tự tin bước vào năm 2023 với một quyết tâm cao, vượt khó, kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng.

“Vượt khó” - xuất hiện trong phát biểu của người đứng đầu chính phủ đã tập trung khá cụ thể vào những giải pháp khả dĩ tạo động lực tăng trưởng trong dự báo khó khăn. Nổi bật nhất vẫn là thông điệp chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

Đây được xem như giải pháp kích hoạt hệ thống chuyển đổi nhằm tiết kiệm mọi chi phí xã hội từ ứng dụng số, “bơm sức rướn” cho doanh nghiệp, người dân thông qua các tiện ích từ việc số hoá hoạt động các cơ quan công quyền.

Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số

Năm 2022 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đi vào hoạt động, chọn ngày 10/10 là ngày chuyển đổi số quốc gia…đó là quyết tâm chính trị, hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi số định hình rõ nét hơn.

Chuyển đổi số lan tỏa và tác động sâu rộng đến định hướng phát triển quốc gia, các bộ ngành, doanh nghiệp cho đến mọi ngóc ngách đời sống xã hội.

“Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số” là những thuật ngữ xuất hiện thường trực trong thông điệp chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ, bộ ngành, địa phương; là “sợi chỉ đỏ” hội tụ, lan tỏa dữ liệu, kết nối thông minh giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội.

Ấn tượng 2022 - “gỡ khó” 2023 từ chuyển đổi số, doanh nghiệp số, doanh nhân số 3
Ảnh minh họa.

Năm 2022 kinh tế số Việt Nam đạt 23 tỷ USD, hướng đến 50 tỷ USD vào năm 2025. Công nghiệp ICT doanh thu đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021, mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Kinh tế số với mức tăng 28% năm 2022, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế số cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 đạt tỷ trọng 15%, chưa kể đến những giá trị tăng trưởng thực tiễn của mọi lĩnh vực mà số hoá đóng góp với tỷ trọng đáng kể.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng, tốc độ phát triển kinh tế số nhanh; có xu hướng số hóa, chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số nhanh, rộng trên nhiều lĩnh vực.

500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam, 70.000 doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 là những con số ấn tượng, minh chứng sống động cho sự tăng tốc nền kinh tế số, xã hội số.

Năm Dữ liệu số Lấy người dân làm trung tâm

“Năm 2023 là năm dữ liệu số, mang tri thức công nghệ Việt đi mở cõi. Không cạnh tranh, chinh phục và có doanh thu từ thị trường nước ngoài, Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao” - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định tại hội nghị tổng kết năm 2022.

Chuyển đổi số sẽ đưa toàn bộ hoạt động của Người dân, Doanh nghiệp, Chính phủ lên nền tảng số. Phát triển kinh tế số, xã hội số, mỗi người dân có cơ hội trở thành "doanh nhân số"; mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh sẽ thành “doanh nghiệp số”.

Các nền tảng thanh toán số là công cụ hữu dụng cho “doanh nhân số”, “doanh nghiệp số” cơ hội lớn khi thương mại điện tử phủ kín xã hội với lượng tiêu dùng, mua sắm trực tuyến tăng nhanh từ gần 50 triệu người năm 2020 lên 60 triệu người năm 2022.

Rõ ràng, cần phải hình thành tư duy số hoá cho mọi hoạt động, từ việc đề ra chủ trương, chính sách, quy định cho đến hoạch định triển khai trên mọi cấp độ quản trị xã hội, trong điều hành các hoạt động tương thích.

Tất cả chuyển đổi phải nhắm đến một xã hội thụ hưởng lấy Người dân làm trung tâm khi hình thành mọi dữ liệu, công nghệ, như phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ trong những ngày cuối năm 2022.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự Chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu chỉ đạo.

Tuy IMF và WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2%-6,5% trong năm 2023 là triển vọng lạc quan so với tình hình khá u ám ở những nền kinh tế khác, nhưng các tổ chức và chuyên gia kinh tế đều dự báo thế giới sẽ gặp khó khăn.

Hồi cuối năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh “năm 2023 tình hình dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi. Chuyển đổi số quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”.

Dễ cảm nhận được năm 2023 sẽ khó khăn. Nhưng một khi đã nhận diện thấy, lãnh đạo sẽ chủ động chuẩn bị tâm thế Quản trị rủi ro trong điều hành vĩ mô kinh tế - xã hội.

Nhận thức và chuyển động này sẽ tạo sự kỳ vọng, tự tin, kích hoạt động lực xã hội đối mặt thách thức, vượt qua khó khăn; lấy chuyển đổi số làm hạ tầng công nghệ trên nền tảng dữ liệu quan trọng, đột phá cho những thay đổi tích cực của hệ thống chính trị; vững tin bước vào năm 2023 với khí thế chủ động, quyết tâm cao, đổi mới sáng tạo, định hình cho “sức rướn” toàn xã hội.

Bình luận