Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bản tin COVID-19 ngày 19/12: Bộ Y tế cập nhật lịch tiêm vaccine COVID-19 mũi 3

(VOH) - Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới về lịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 với nhiều điểm khác biệt so với hướng dẫn ban hành đầu tháng 12.

Bộ Y Tế: Cập nhật lịch tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 phòng COVID-19

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới về lịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 với nhiều điểm khác biệt so với hướng dẫn ban hành đầu tháng 12. Điểm khác biệt đáng kể là rút ngắn thời gian tiêm mũi vaccine COVID-19 bổ sung và nhắc lại, đặc biệt với những người tiêm vaccine Verocell, Sputnik V sẽ tiêm mũi 3 để hoàn thành liều cơ bản, 6 tháng sau sẽ tiêm mũi 4. Người có bệnh nền, từ 50 tuổi trở lên sẽ có lịch tiêm sớm hơn, chỉ 28 ngày sau khi tiêm xong liều cơ bản sẽ tiêm mũi vaccine bổ sung.

Rà soát người nhập cảnh F0 từ 28/11 để giải trình tự gene tìm biến thể Omicron

Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam chưa ghi nhận trưởng hợp mắc biến thể Omicron. Tuy nhiên, nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur triển khai giám sát và phòng, chống COVID-19 biến thể Omicron. Rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh), lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến thể Omicron.

Biến chủng Omicron
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TẠI TP.HCM

TPHCM: Bảo đảm an toàn phòng chống dịch dịp Noel, Tết

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức vừa có ý kiến chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM. Trước mắt đảm bảo an toàn đối với các dịp lễ, Tết sắp đến (lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán).

Đối với chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, cần tập trung việc kéo giảm số ca chuyển nặng và tử vong. Đối với các khu thu dung, điều trị COVID-19 thuộc các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, đề nghị Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính sớm tham mưu UBND TPHCM ban hành cơ chế tài chính để vận hành ổn định, lâu dài.

Xây dựng chiến lược an sinh xã hội, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương nhằm đảm bảo việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phòng chống dịch ứng dụng tại TPHCM…

Dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn ở cấp độ 2

TP Hồ Chí Minh hiện có 10 địa phương đạt cấp độ 1, bao gồm quận 3, 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn. Quận 10 là địa bàn duy nhất tăng cấp độ dịch từ 2 lên 3.

Về tỉ lệ mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/tuần, từ ngày 10 – 16/12 TP Hồ Chí Minh ghi nhận 7.527 ca, giảm so với tuần trước với 8.686 ca. Hiện nay tiêu chí này của TP Hồ Chí Minh vẫn ở cấp độ 3 theo Nghị quyết 128.

Toàn bộ người dân thành phố hiện đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Trong đó, toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã được tiêm đủ 2 liều vaccine.

TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh, sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch cấp độ 4.

Các quận huyện và TP Thủ Đức đang xây dựng kế hoạch thiết lập các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm bệnh tại cộng đồng và cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Phần lớn chợ truyền thống ở TPHCM hoạt động trở lại

Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn. Có 2 trong tổng số 3 chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh đã hoạt động lại là: chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn. Riêng chợ đầu mối Thủ Đức vẫn duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.

Hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi tại TP Hồ Chí Minh cũng đã mở lại gần hết để phục vụ nhu cầu của người dân.

* Còn tại tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 17/12/2021, trên địa bàn tỉnh hiện có 74/97 chợ truyền thống (đạt 76,2%), 11/11 siêu thị (đạt 100%), 221/221 cửa hàng tiện lợi (đạt 100%) còn hoạt động. Hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

* Tại tỉnh Vĩnh Long, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 51 cửa hàng tiện lợi và 113/115 chợ đang hoạt động (đạt 97,6%), hiện chỉ có 3 chợ đang tạm dừng hoạt động.

Các hệ thống phân phối siêu thị, cửa hàng tiện lợi luôn chủ động duy trì dự trữ đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn tỉnh, xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường dịp Tết năm 2022.

Bản tin COVID-19 ngày 19/12: Rà soát người nhập cảnh F0 từ 28/11 2
Ảnh minh họa. Nguồn: NLĐO

TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TẠI MỘT SỐ TỈNH, THÀNH KHÁC

Hà Nội dự định bắn pháo hoa tại một điểm đêm giao thừa

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hà Nội bắn pháo hoa tại một điểm thay vì bắn pháo hoa ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã như trước khi có dịch COVID-19. Mục đích là để đảm bảo an toàn, tiết kiệm và phòng chống dịch.

Thành phố sẽ bắn pháo hoa đêm giao thừa tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội và truyền hình trực tiếp, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Trước đó, trong chỉ thị về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022, Ban Bí thư yêu cầu lãnh đạo các địa phương căn cứ tình hình cụ thể, cân nhắc thận trọng, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bảo đảm tiết kiệm, an toàn, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã chủ trì làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan để thông qua kế hoạch tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của thành phố.

Việc xây dựng Kế hoạch phục vụ các hoạt động Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhằm đảm bảo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phục vụ nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm "mọi người, mọi nhà đều có Tết".

Hà Nội: dừng bán hàng ăn uống tại hàng loạt phường 'màu cam'

UBND Q. Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa có thông báo về việc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, UBND Q. Hoàn Kiếm đã tổ chức đánh giá phân loại cấp độ dịch trong vòng 14 ngày (3/12-17/12), xác định quận có 5 phường (Cửa Đông, Đồng Xuân, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Gai) ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao về dịch COVID-19).

Vì vậy, UBND Q. Hoàn Kiếm yêu cầu 5 phường nêu trên tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoạt động sự kiện tập trung đông người. Đặc biệt, các nhà hàng, dịch vụ ăn uống trên địa bàn phường chỉ được phép bán hàng mang về. Theo UBND Q. Hoàn Kiếm, các biện pháp nêu trên có hiệu lực kể từ 12 giờ ngày 19/12.

Q. Hai Bà Trưng cũng có văn bản yêu cầu từ 12 giờ ngày 19/12, hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin...

Hà Nội: Tùy cấp độ dịch sẽ xem xét dừng vui chơi, tập trung đông người

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu thường xuyên đánh giá cấp độ dịch, xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương tùy theo diễn biến dịch.

TP. Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, thường xuyên đánh giá cấp độ dịch, hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người không cần thiết tại các địa phương tùy theo diễn biến dịch. Đặc biệt phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, trong dịp cuối năm, lễ Giáng sinh, tết Dương lịch 2022, tết Nguyên đán Nhâm Dần,…

Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất hoàn thành trước 31/12; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trước 31/1/2022 và tiêm xong mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/1/2022.

Tuyên Quang: Tạm dừng các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch

Mới đây, UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản về việc tạm dừng hoạt động 5 chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến Quốc lộ 2C, Quốc lộ 37 giáp ranh với các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái và Hà Giang.

Nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang cũng đang đẩy nhanh rà soát, tiêm phòng đủ 2 mũi cho tất cả các trường hợp từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021; triển khai thành lập Bệnh viện dã chiến dự phòng tại thành phố Tuyên Quang; xây dựng các phương án cụ thể trong công tác điều trị, xử lý khi dịch bệnh lây lan vào trường học,…

Đà Nẵng: Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm nếu có trường hợp dương tính chưa tiêm vaccine

Đây là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP vào chiều qua 18/12 khi đề cập đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.

Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, yêu cầu các quận, huyện rà soát tất cả trường hợp chưa tiêm vaccine, đặc biệt những người lớn tuổi, có bệnh nền. Các địa phương phối hợp ngành y tế tổ chức tiêm dứt điểm trước ngày 5/1/2022; tập trung rà soát, hạn chế tối đa việc sót trường hợp chưa tiêm vaccine.

Miền Tây: xin hỗ trợ thuốc và oxy vì F0 tăng nhanh

Ngày 19/12, UBND TP Cần Thơ gửi văn bản đến Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam về việc đề nghị hỗ trợ trạm oxy lưu động để phòng, chống dịch COVID-19. Theo lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, địa phương này ghi nhận khoảng 40.000 F0. Hiện, TP Cần Thơ có hơn 2.000 bệnh nhân tại các cơ sở điều trị COVID-19, trong đó nhiều ca nặng và rất nặng ở tầng 2, 3.

Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết sau khi địa phương đề nghị hỗ trợ 50.000 liệu trình thuốc Molnupiravir và 20.000 liệu trình Favipiravir, Bộ Y tế đã phân bổ được 3.000 liệu trình Molnupiravir để điều trị F0. Đối với việc xin hỗ trợ nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sẽ làm việc với tỉnh Cà Mau trong vài ngày tới để xem xét quyết định.

Theo ông Việt, liên tục nhiều ngày qua, Cà Mau ghi nhận hơn 1.000 F0 mỗi ngày nên địa phương này không còn xã, phường, thị trấn nào thuộc vùng xanh. Trong lúc có nhiều vùng cam cấp xã, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI

Dù tiêm nhiều vaccine, một số nước châu Á vẫn thận trọng quay trở lại bình thường

Vaccine phòng COVID-19 được coi là tấm vé để các nước châu Á-Thái Bình Dương trở lại với cuộc sống bình thường.

Tại Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “không ca mắc COVID-19” trong khi các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tại biên giới bất chấp tỷ lệ tiêm chủng đạt mức gần 80% dân số.

Theo Hiệp hội Không vận Quốc tế, vận tải hàng không tại châu Á-Thái Bình Dương trong tháng 10 vẫn ở mức giảm 93% so với trước đại dịch. Một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương vẫn duy trì hoặc tái áp dụng các hạn chế trong nước để kiểm soát dịch.

Hàn Quốc mặc dù đã tiêm vaccine cho trên 80% dân số nhưng vào ngày 16/12 tuyên bố tái áp dụng lệnh giới nghiêm 9 giờ tối với các nhà hàng, quán cà phê, quán bar và cấm tụ tập trên 4 người.

Malaysia nơi 79% dân số đã tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 cũng thông báo các hạn chế mới, bao gồm cấm tập trung quy mô lớn.

Singapore, một trong những nước đầu tiên thông báo về việc sống chung với COVID-19 khi tỷ lệ tiêm là 83% dân số, tiếp tục duy trì các hạn chế tập trung và ăn uống nhóm tối đa 5 người đồng thời giới hạn số khách đến các hộ gia đình mỗi ngày.

một số nước châu Á vẫn thận trọng quay trở lại bình thường
Dù đã tiêm vaccine, một số nước châu Á vẫn thận trọng quay trở lại bình thường. Ảnh minh họa: AP

Hà Lan tiến hành phong tỏa trong dịp Giáng sinh do biến thể Omicron

Hôm qua, Thủ tướng Hà Lan thông báo nước này sẽ bước vào đợt phong tỏa trong dịp Giáng sinh nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Trong đợt phong tỏa lần này, tất cả những cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, bảo tàng và nhà hát sẽ phải đóng cửa đến ngày 14/1 năm sau, trong khi các trường học phải đóng cửa ít nhất là đến ngày 9/1/2022. Số lượng khách mà mỗi gia đình được tiếp tại nhà cũng giảm từ 4 xuống còn 2 người, trừ đúng ngày Giáng sinh (25/12).

Đức xếp Anh vào danh sách các nước nguy cơ cao về COVID-19

Giới chức y tế Đức tối qua thông báo bổ sung Anh vào danh sách những nước được đánh giá là có nguy cơ cao về COVID-19, đồng nghĩa với việc bị áp dụng những quy định đi lại ngặt nghèo hơn.

Biện pháp này có hiệu lực từ 0h ngày 20/12. Theo đó, những hành khách nhập cảnh vào Đức từ Anh sẽ phải trả qua 2 tuần cách ly ngay cả khi đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Dịch lẻ tẻ không dứt, Trung Quốc ra lệnh cấm luôn du khách xuyên tỉnh

Bộ Văn hóa và du lịch Trung Quốc thông báo bắt đầu từ ngày 18/12, các đại lý du lịch và nền tảng đặt phòng trực tuyến sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ tour du lịch xuyên tỉnh đến các thành phố cảng trên đất liền của quốc gia đông dân nhất thế giới này

Việc đặt vé máy bay và đặt phòng khách sạn ở những thành phố này cũng bị cấm. Tuy nhiên, ở các thành phố kết nối với đặc khu hành chính Hong Kong và Macau, vẫn cho phép đặt vé. Chính sách mới nhất sẽ có hiệu lực đến ngày 15/3/2022.

Pfizer thử nghiệm tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho trẻ nhỏ trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi

Các nhóm tuổi khác nhau tham gia vào nghiên cứu được tiêm liều lượng vaccine khác nhau. Trẻ em từ 5-12 tuổi được tiêm hai liều 10 microgam, bằng 1/3 liều người trưởng thành. Trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó có trẻ sơ sinh, đã được tiêm liều 3 microgram.

Pfizer tuyên bố không phát hiện bất kỳ sự cố về an toàn nào trong quá trình thử nghiệm, đồng thời cho biết sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp phác đồ tiêm chủng ba liều mới cho trẻ nhỏ vào năm tới, miễn là nghiên cứu ba liều này đạt kết quả tốt.

Trẻ em Mỹ phơi nhiễm COVID-19 vẫn có thể đến trường

Chiến lược mới trong việc chung sống với COVID-19, được CDC công bố ngày 17/12, bất chấp những tác động chưa thể đánh giá hết của biến thể Omicron. Theo đó, cho phép trẻ em chưa tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được tới trường dù những em nhỏ này đã phơi nhiễm COVID-19.

Bà Rochelle Walensky - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nói: "Nếu những em nhỏ phơi nhiễm đáp ứng một số tiêu chí nhất định và tiếp tục cho kết quả âm tính, các em có thể tới trường thay vì cách ly ở nhà".

CDC cũng đề nghị trẻ em trên 5 tuổi nên được tiêm vaccine và những người từ 16 tuổi trở lên thì nên tiêm mũi tăng cường sau 6 tháng. CDC khuyến cáo, trẻ em từ 2 tuổi trở lên, tại trong không gian kín như lớp học, cần phải đeo khẩu trang và tuân thủ khoảng cách 1 mét, thường xuyên khử khuẩn, rửa tay và nếu bị sốt thì ở nhà.

Lào mở cửa cho 17 nước, gồm Việt Nam, từ đầu năm 2022

Lào đang chạy đua tiêm ngừa COVID-19 để chuẩn bị mở cửa biên giới từ tháng sau, một phần trong kế hoạch mở cửa theo 3 giai đoạn vào năm 2022.

Trong giai đoạn 1, Lào sẽ mở cửa cho 17 nước, trong đó có Việt Nam và nhiều nước láng giềng ASEAN, bên cạnh một số nước châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Úc, Canada.

Trước dịch COVID-19, Lào đón khoảng 4,7 triệu du khách mỗi năm. Tuy nhiên, lượng du khách đã giảm đến 80% trong năm 2020. Tăng trưởng của Lào cũng giảm còn 0,4% trong năm ngoái, thấp nhất trong 3 thập kỷ qua.

Lào cũng đang tìm cách kiểm soát dịch bệnh. Nước này ghi nhận 1.249 ca mắc COVID-19 ngày 18-12, giảm so với đà tăng của những ngày trước đó. Theo các cơ quan y tế Lào, nước này có 1.702 ca bệnh mới ngày 17/12 và 1.493 ca ngày 16/12. Số ca cao nhất trong thời gian gần đây là 1.898 ca ngày 11/12.

Bình luận