Bộ Nội vụ: Không để bộ máy cấp xã phình to sau sáp nhập

VOH - Ngày 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, dự thảo luật lần này định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, định hướng quan trọng của dự thảo là giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm nền hành chính vận hành thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả từ trung ương tới địa phương. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Pham thi thanh tra
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Đồng tình với chủ trương sửa đổi toàn diện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ, làm rõ việc phân cấp quyền hạn cho UBND cấp xã và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do HĐND cấp xã bầu. Ông Tùng lưu ý, việc bổ sung nội dung này cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, sau sáp nhập, cấp xã sẽ có nhiều mô hình khác nhau. Một số xã quy mô lớn như Phú Quốc đòi hỏi phải có cơ chế phân cấp linh hoạt, tránh cứng nhắc. Ông cũng đặt vấn đề, với biên chế chỉ khoảng 32 người, nếu tổ chức thêm nhiều phòng ban với trưởng, phó phòng thì sẽ khó đảm bảo tính tổng hợp, linh hoạt trong xử lý công việc.

Báo cáo giải trình sau đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ sự "sốt ruột" khi nhiều địa phương đề xuất thêm phòng ban, kéo theo số lượng lãnh đạo tăng cao. Bà cho biết, hiện bình quân mỗi xã có 21 cán bộ công chức và 17 vị trí việc làm. Định hướng mới dự kiến tăng lên 23 vị trí, tập trung vận hành theo vị trí việc làm thay vì thành lập phòng ban riêng rẽ.

Nếu chia thêm các phòng chuyên môn, số lượng lãnh đạo có thể chiếm trên 1/3 tổng biên chế, gây cồng kềnh bộ máy. "Nếu bên Đảng có 3 phòng, bên chính quyền có 4 phòng thì đã có 14 lãnh đạo, cộng thêm sẽ rất nhiều", bà Trà phân tích. Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức thêm phòng ban cấp xã, mà giao quyền linh hoạt cho địa phương dựa trên quy mô dân số, điều kiện kinh tế - xã hội.

Bà Trà nhấn mạnh, với cấp xã, cần đề cao tính kiêm nhiệm: bí thư kiêm chủ tịch HĐND, phó bí thư kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ, trưởng ban HĐND kiêm trưởng tổ chức chính trị - xã hội, phó chủ tịch ủy ban kiêm giám đốc trung tâm hành chính công. Mô hình này vừa tinh gọn, vừa nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.

"Chúng ta không thể để bộ máy lãnh đạo cấp xã phình to, tầng nấc chồng chất. Điều đó sẽ cản trở mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân nhanh chóng, hiệu quả", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Bình luận