Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: "Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về vấn đề biên chế của năm 2015"

(VOH) - Sau phiên đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Nguy cơ thiếu điện, quá tải hệ thống truyền tải, gian lận xuất xứ hàng hóa... là những vấn đề nóng trong phiên chất vấn người đứng đầu ngành công thương. Sau phiên đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Từ chiều 6/11 đến sáng 7/11, có 45 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 9 lượt tranh luận trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nổi bật là nguy cơ thiếu điện hiện hữu, khó khăn giải tỏa công suất dự án điện mặt trời, hay Việt Nam có thể trở thành nạn nhân của trừng phạt thương mại… Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời rõ ràng, nắm chắc vấn đề trong công tác quản lý, điều hành của ngành.

Trong 15 phút báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc đến trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Với khoảng 60 dự án đang đầu tư, trong đó có 35 dự án công suất từ 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn kéo dài hơn nữa, với tổng công suất khoảng 39.000 MW, dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019.

Giải pháp cho vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay: "Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy hoạch điện nhằm bổ sung thêm các nguồn điện. Trong đó, đặc biệt là nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt này. Điển hình, nguồn điện mặt trời, điện gió có rất nhiều ưu việt như không ô nhiễm môi trường, không tốn nhiên liệu, giá điện có xu hướng sẽ giảm, là điện sạch nên rất dễ huy động các nguồn vốn phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước mà còn huy động được các nguồn vốn nước ngoài.

Do đó, chưa đầy 2 năm, ngành điện đã huy động được khoảng 4.500 MW điện mặt trời và gần 400 MW điện gió. Từ đó đã góp phần bù đắp lại những phần thiếu hụt điện và đáp ứng yêu cầu cung ứng đủ điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân".

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về vấn đề biên chế của năm 2015.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, rất nhiều vấn đề nóng của ngành nội vụ sát sườn với nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã được đặt ra với người đứng đầu của ngành.

Chất vấn về biên chế giáo viên và nhân viên y tế, đại biểu Nguyễn Thanh Hải – đoàn Tiền Giang hỏi: "Xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng phục vụ dịch vụ giáo dục và y tế ngày càng được nâng lên. Điều này gây khó khăn như thế nào trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức đơn vị sự nghiệp nhất là ngành giáo dục và y tế. Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục khó khăn trong thời gian tới".

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay: Theo thống kê bước đầu, cả nước còn thiếu 87.000 giáo viên các cấp và hơn 12.000 nhân viên y tế. Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục xác minh cụ thể, từ đó đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị bổ sung: "Bộ Nội vụ đã có báo cáo và xin chủ trương với Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục xuống xác minh cụ thể ở từng địa phương và sẽ có đề xuất với Chính phủ và Bộ Chính trị sẽ tiếp tục bổ sung biên chế phục vụ đúng chủ trương là người học thì phải có giáo viên, người bệnh thì phải có y bác sĩ chăm sóc. Còn giải pháp về vấn đề tinh giản biên chế trong sự nghiệp giáo dục hiện nay thì Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu cho Chính phủ và Bộ Chính trị, đó là chúng ta phải tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập".

Trao đổi lại với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – đoàn Đà Nẵng phản ánh các địa phương vẫn diễn ra tình trạng các ngành y tế, giáo dục phản ánh vấn đề bị giảm biên chế theo kiểu cào bằng: “Không rõ bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo như thế nào mà hầu hết các địa phương vẫn diễn ra tình trạng các ngành y tế, giáo dục đang kêu chuyện bị giảm biên chế theo kiểu cào bằng, trong khi ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều yêu cầu mà đến thời điểm này, văn bản chỉ đạo chưa có. Đặc biệt, kỳ thi viên chức giáo dục một số địa phương đã chính thức diễn ra mà không có bất cứ một sự ưu tiên nào dành cho giáo viên hợp đồng, đặc biệt là những giáo viên hợp đồng lâu năm có đóng bảo hiểm xã hội”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về vấn đề biên chế của năm 2015: “Tôi khẳng định, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về vấn đề biên chế của năm 2015, nhưng chúng ta chưa tuyển, thì bây giờ là chúng ta tuyển. Tôi nói ở đây là chúng ta tuyển đặc cách đối với những người đã ký hợp đồng rồi, điều này khác với việc chúng ta tuyển theo Nghị định 161, không có chuyện cạnh tranh với những người bên ngoài. Việc này giải quyết gỡ rối cho các địa phương trong thời gian qua mà chúng ta thực hiện. Còn những trường hợp mà hợp đồng không phải cấp thẩm quyền cho phép thì không được xét trong trường hợp này”.

Báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tinh giản là 40.500 người. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành nội vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cam kết sẽ cố gắng tập trung giải đáp và chia sẻ ý kiến cùng với đại biểu Quốc hội thuộc các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

Bình luận