Trước vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả quy mô lớn vừa bị Bộ Công an triệt phá, Bộ Y tế khẳng định đã và đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xử lý đúng pháp luật, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra theo tội danh “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Các bị can chủ chốt trong vụ án là Hoàng Mạnh Hà (Giám đốc Rance Pharma), Vũ Mạnh Cường (Giám đốc Hacofood) và Đặng Trung Kiên (Phó Giám đốc cả hai công ty), bị cáo buộc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dạng bột giả, không chứa các thành phần như tổ yến, đông trùng hạ thảo, macca, óc chó như công bố.

Bộ Y tế khẳng định, theo Luật An toàn thực phẩm, việc quản lý thực phẩm được phân cấp cho nhiều cơ quan, trong đó Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương và UBND các cấp đều có vai trò cụ thể. Việc công bố và kiểm soát sản phẩm được quy định tại Nghị định 15, cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm để tạo thuận lợi thương mại, nhưng cũng đồng thời buộc doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng và tính an toàn.
Từ tháng 8/2021 đến nay, gần 700 nhãn hiệu sữa giả đã được các công ty này đưa ra thị trường. Các sản phẩm được dán nhãn và quảng cáo như thực phẩm bổ sung cao cấp, nhưng thực tế chỉ là hỗn hợp bột thông thường pha thêm phụ gia. Vụ việc cho thấy những lỗ hổng trong khâu hậu kiểm và kiểm soát chất lượng từ địa phương đến trung ương.
Bộ Y tế cho biết, hằng năm cơ quan này đều ban hành kế hoạch hậu kiểm ATTP, chỉ đạo các Sở Y tế và Sở ATTP tại các địa phương triển khai thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đầu năm 2025 đến nay, đã có ít nhất 3 văn bản chỉ đạo cụ thể liên quan đến hậu kiểm và Tháng hành động vì ATTP.

Trong vụ việc sữa giả, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an cung cấp hồ sơ, tài liệu, thực hiện giám định chuyên môn và đề xuất sửa đổi các quy định để nâng cao mức xử phạt vi phạm. Hiện Bộ Công an đang nghiên cứu đề xuất bổ sung hành vi vi phạm ATTP vào Bộ luật Hình sự như một biện pháp răn đe mạnh mẽ, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình sản xuất thực phẩm giả, nguy hại cho sức khỏe người dân.
Ngoài ba bị can chính, còn có năm bị can khác bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Các công ty liên quan đều có trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội, hoạt động dưới hình thức hợp tác và chia cổ phần giữa các đối tượng, che giấu hành vi sản xuất hàng giả dưới vỏ bọc doanh nghiệp thực phẩm dinh dưỡng.
Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành và siết chặt giám sát hậu kiểm, đặc biệt với nhóm thực phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ và người bệnh, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, lấy lại niềm tin người tiêu dùng vào hệ thống quản lý thực phẩm của Nhà nước.