Tiêu điểm: Nhân Humanity

Các chương trình mục tiêu quốc gia đều giải ngân chậm

VOH - Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.  

Chương trình xây dựng nông thôn mới

Với chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến 30/6, cả nước có 6.022 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.

19 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới).

Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, tỉ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo.

Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến 30/6 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm.

Các chương trình mục tiêu quốc gia đều giải ngân chậm 1
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm

Chương trình giảm nghèo bền vững

Về giảm nghèo, giai đoạn 2021-2025, mục tiêu về giảm nghèo cao hơn so với các giai đoạn trước

Kết quả, năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, tuy chưa đạt so với mục tiêu Quốc hội giao nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua thì kết quả giảm nghèo là nỗ lực được ghi nhận.

Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỉ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng XIII, nghị quyết 24 của Quốc hội.

Tuy nhiên việc phân bổ ngân sách trung ương còn chậm; Giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 (đến 31-1-2023) đạt 35,63% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 45% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 6,39% kế hoạch).

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến tháng 6/2023, vốn ngân sách trung ương đã phân bổ hết cho các địa phương, đảm bảo theo quy định hiện hành...

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo báo cáo của Chính phủ, tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; Nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế - xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của chương trình.

Đáng lưu ý, kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến 6-2023 giải ngân khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Giải ngân vốn sự nghiệp năm 2022 giải ngân đạt 5,2%, năm 2023 (đến 30-6) giải ngân được 3,9% kế hoạch năm. Do đó, chương trình khó có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân đến hết năm 2025.

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội theo chức năng nhiệm vụ tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia ở các cấp. 

Cân đối, bố trí đủ ngân sách theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; cho phép kéo dài nguồn vốn được phân bổ năm 2023 chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến 31/12/2024.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan: Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thành trong năm 2023 rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các Chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi. 

Tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Rà soát đánh giá, sửa đổi, bổ sung các chương trình, chính sách về hỗ trợ cho các xã diện đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, hộ nghèo, cận nghèo các đối tượng yếu thế ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. 

Hoàn thiện bộ máy, tổ chức quản lý thực hiện các Chương trình; Thiết lập hệ thống đánh giá, giám sát, báo cáo phù hợp; Chỉ đạo nghiên cứu, định hướng xây dựng nội dung, cơ cấu, chính sách đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia...

Bình luận