Tiêu điểm: Nhân Humanity

Các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

(VOH) - Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 bước vào đợt họp thứ 2 tại Thủ đô Hà Nội sáng 2/11.

Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Đoàn TPHCM thảo luận tại tổ chiều 2/11. Ảnh: SGGP

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng: Báo cáo của Chính phủ lần này đã phân tích, đánh giá một cách sát thực nhất, khoa học nhất và rất thẳng thắn. Chính phủ đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2021. Trong đó, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, Chính phủ vẫn quyết định đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6%, điều này, đòi hỏi Chính phủ phải có những biện pháp, giải pháp hết sức quyết liệt. Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đoàn Hà Nội, việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) là lợi thế để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu dù thế giới đang trải qua đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam còn thấp. Thời gian tới cần đặt trọng tâm hàng đầu vào việc thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do: "Chúng ta là nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Trong bối cảnh hiện nay nếu không phát huy được các hiệp định để nâng cao nhận thức các doanh nghiệp Việt để tăng cường tính tuân thủ để tiếp cận các tiêu chuẩn cao của hiệp định này. Chúng ta phải tìm và khai thông để đưa hàng của chúng ta đến với thế giới…".

Nhìn tổng thể bức tranh nợ công, vấn đề cơ cấu lại nguồn chi, đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ đề nghị cần tính toán các bài toán cắt giảm chi để không tăng bội chi và nợ công. Đồng thời, phải có dự báo mang tính dự phòng để phòng các tình huống xấu hơn, đảm bảo cho ngân sách nhà nước và tăng trưởng đảm bảo: “Tăng trưởng, kinh tế mở phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Việc còn lại vài tháng nữa những nút tăng trưởng như đầu tư công vẫn chưa được cải thiện dẫn đến bội chi ngân sách. Thứ hai, khả năng thu giảm 189.000 tỷ. Tuy nhiên, mức này Bộ Tài chính là dự kiến. Chẳng hạn như cổ phần hóa giờ này chưa thu được mà hụt thêm mất chục ngàn thì ngưỡng, nghĩa vụ trả nợ sẽ vượt 25% chỉ tiêu Quốc hội. Mức 25% mức nguy hiểm”.

Tuy nhiên, tháo gỡ khó khăn bằng cách nào khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19. Các đại biểu Quốc hội cho rằng để thực hiện “mục tiêu kép” tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời xác định rõ hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM đề nghị: “Chính phủ nên hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào miền Trung để khắc phục thiên tai hiện nay trong quỹ dự phòng của năm 2020 này. Mục tiêu kép là tôi đồng ý rồi, nhưng trong mục tiêu kép đó mục tiêu quan trọng nhất là hàng đầu phải là kiểm soát dịch bệnh. Bởi vì nếu chúng ta để dịch bệnh tái phát trở lại thì mục tiêu kinh tế sẽ không đạt được. Kiểm soát dịch bệnh là cái quan trọng nhất chúng ta phải xây dựng những chuẩn, những tiêu chí, những cái quy trình cho việc tiếp nhận người nước ngoài và đi liền với đó là chúng ta phải tăng xử phạt rất nghiêm minh rất cao cho những người mà đưa người bên ngoài vào Việt Nam”.

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất với một số dự án luật đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Cư trú và một số luật khác. Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy công lập vì việc lập hồ sơ là một khâu, thủ tục quan trọng trong quy trình đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc; đánh giá tính khả thi của quy định bảo đảm quyền học văn hóa cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và nghiên cứu bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy.

Theo các đại biểu, đối tượng bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc do Luật Phòng, chống ma túy điều chỉnh sẽ đảm bảo xác định đầy đủ, cụ thể các biện pháp xử lý đối với người nghiện ma túy, nên thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc liên quan chặt chẽ đến quyền con người, nên cần bổ sung quy định xác định tình trạng nghiện đối với mọi trường hợp bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (trừ trường hợp đối tượng thừa nhận mình nghiện ma túy); quy định cụ thể trong luật các trường hợp bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế...

Bên hành lang Quốc hội: Cần cân nhắc kỹ khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng

Những ngày qua tình trạng lũ lụt kèm theo sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của bà con nhân dân miền Trung. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được nhiều chuyên gia cho rằng đó là hệ quả của biến đổi khí hậu kết hợp với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để làm các dự án, trong đó có công trình thủy điện nhỏ.

Một số đại biểu cho rằng tình trạng lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung thời gian qua đã cho thấy tác động của việc khai thác rừng và nạn chặt phá rừng thời gian qua. Bên cạnh đó, việc có các dự án thủy điện để đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế xã hội cũng cần phải được nhắc đến. Theo đó, Quốc hội đã có yêu cầu là phải trồng rừng để bù đắp nhưng hậu kiểm của chính sách này lại chưa chặt chẽ. Dẫn con số 249 người chết và mất tích do thiên tai trong 10 tháng qua, Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đang thiếu những giải pháp mạnh để kiểm soát và bảo vệ rừng: "Mặc dù quốc hội khi biểu quyết các chỉ tiêu kinh tế xã hội có chỉ tiêu tỉ lệ che phủ rừng nhưng nó đạt bao nhiêu % thì chưa kiển soát được. Cho nên nó đặt ra vấn đề là chúng ta tiếp tục sử dụng đất rừng để làm dự án khác thì tôi không ủng hộ. Chúng ta phải thận trọng, Vấn đề hôm nay chúng ta nói đến là phát triển kinh tế nhưng phải là bền vững giữ gìn môi trường…".

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng là vấn đề môi trường. Bởi điều đó đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn TPHCM cho rằng cần chấn chỉnh lại việc triển khai các dự án có liên quan đến môi trường: "Trong lúc chúng ta chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cụ thể là chuyển đổi rừng để xây thủy điện nhỏ thì rõ ràng là không đạt yêu cầu, tầm nhìn ngắn hạn. Đây là bài học lớn. Ngay bây giờ chấn chỉnh việc triển khai các dự án liên quan đến môi trường, sinh thái, đất rừng tự nhiên. Cần tính toán lại. Dự án đó phải thể hiện được các biện pháp phòng chống, nâng cao mức độ cảnh báo ví dụ nếu có bão lũ thì có chịu được không…".

Bình luận