Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cân nhắc khi bổ sung thông tin mống mắt, ADN, giọng nói... vào dữ liệu căn cước

VOH - Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) yêu cầu bổ sung rất nhiều thông tin của công dân, trong đó có cả thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói...

Sáng 28/8, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV nhằm thảo luận một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 chính thức khai mạc. 

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) - Ảnh: Quốc hội

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị cần cân nhắc việc bổ sung quá nhiều thông tin vào dữ liệu căn cước. Bởi dự thảo Luật lần này yêu cầu bổ sung rất nhiều thông tin của công dân, trong đó có cả thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói...

Theo đại biểu, đây là những thông tin có tính bảo mật cao nhất của công dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, vấn đề đời tư và bất khả xâm phạm, do vậy đề nghị quy định những thông tin, điều khoản trong dự thảo Luật cần phải phù hợp với yêu cầu quản lý và vẫn đảm bảo đời tư, quyền con người, quyền công dân, vì hiện nay trong thực tế vẫn còn hiện tượng lộ lọt thông tin cá nhân.

Ông cũng đề nghị làm rõ hơn: nơi tạm trú, nơi thường trú và nơi ở hiện nay. Đồng thời cần xác định khái niệm về “quê quán”, cần xem xét thêm quy định như thế nào để phù hợp với thực tiễn. 

Xem thêm: BHXH TPHCM đồng bộ định danh cá nhân, căn cước công dân của gần 7,2 triệu người

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho rằng, nên đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước, tuy nhiên cần rà soát, phân tích, tích hợp các nội dung đã được nêu trong ưu điểm của phương án tên gọi Luật Căn cước công dân, đồng thời cần khắc phục những hạn chế của phương án đã chọn bằng chính những chế định, điểm, khoản, điều trong dự thảo luật. Đặc biệt là các hạn chế về thủ tục hành chính, lãng phí ngân sách, chi phí xã hội khi thay đổi các giấy tờ liên quan. 

Về giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, thực tế khái niệm “người gốc Việt” đã được bổ sung vào khoản 17 Điều 3. Theo đó, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là người đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ là công dân Việt Nam hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ gây ngộ nhận, vì vậy, cần bổ sung, sửa đổi để thể hiện rõ ràng hơn nội dung về quan hệ thân tộc đối với khái niệm này.

Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cũng cho rằng, cần giải thích rõ về khái niệm “người gốc Việt Nam” trong phần giải thích từ ngữ. Tại khu vực biên giới, có những trường hợp không phải người gốc Việt, mà là cư dân của các nước lân cận sang. Vậy có nên cấp giấy chứng nhận, căn cước cho họ hay không?

Đại biểu cho rằng vấn đề này cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Bình luận