Cảnh báo thủ đoạn mới: Trộn thuốc giả với thuốc thật

VOH - Thủ đoạn tinh vi vừa phát hiện trong các vụ buôn bán thuốc giả, khi các đối tượng dùng thuốc thật đánh tráo nhằm lừa người tiêu dùng và trốn tránh sự kiểm tra của ngành chức năng.

Thông tin được ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ ngày 24/4.

Theo đó, nhóm đối tượng trong các vụ việc vừa qua đã sử dụng vỏ bọc là nhân viên dược sĩ, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội với danh nghĩa "hàng xách tay".

Để tạo lòng tin, các đối tượng đã trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi tung ra thị trường.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên kiểm tra mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế trên địa bàn
Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên kiểm tra mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế trên địa bàn - Ảnh: VGP

Sau khi sản xuất, thuốc được đóng gói trong các cơ sở “ngụy trang” như nhà kho ở khu vực hẻo lánh, ít người qua lại. Công nhân chủ yếu là người quen, được bố trí ăn ở ngay tại nơi sản xuất để tránh bị lộ.

Một số sản phẩm còn được gắn mác “thực phẩm bảo vệ sức khỏe” thay vì ghi rõ là thuốc để đánh lừa người tiêu dùng.

Thủ đoạn tinh vi khiến việc phát hiện trở nên khó khăn. Ông Linh cảnh báo: “Nhiều sản phẩm chỉ có thể phát hiện vi phạm khi tiến hành kiểm nghiệm, trong khi nếu chưa có dấu hiệu rõ ràng thì cơ quan chức năng rất khó lấy mẫu.”

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thực phẩm và thuốc.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công điện và chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường toàn quốc thực hiện tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…

Theo thống kê, trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý gần 1.000 vụ vi phạm liên quan đến dược phẩm và thực phẩm chức năng, xử phạt hàng chục tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 15 tỷ đồng.

Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng đề nghị các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng kiểm tra, tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người dân cảnh giác và chủ động tố giác tội phạm.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, chỉ mua thuốc tại các cơ sở uy tín, kiểm tra kỹ nguồn gốc, bao bì sản phẩm, không mua hàng giá rẻ bất thường và sử dụng các công cụ công nghệ để tra cứu thông tin sản phẩm.

Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, cần nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Bình luận