Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chậm ban hành hướng dẫn Luật Đất đai 2024: Cử tri bức xúc kiến nghị lên Quốc hội

VOH - Nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về tình trạng chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 sau hơn 2 tháng luật có hiệu lực.

Sáng 21/10, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến, đã đại diện báo cáo các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đặc biệt là về việc thực hiện luật tại các địa phương.

Theo báo cáo, Luật Đất đai 2024 cùng với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Đây là những đạo luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, và các tổ chức kinh tế, cả trong nước lẫn người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Các nghị định, thông tư hướng dẫn đã được ban hành kịp thời, song quá trình triển khai lại gặp phải nhiều vấn đề.

Do van chien
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến - Ảnh: TTO

Ông Chiến cho biết, sau hơn 2 tháng kể từ khi luật có hiệu lực, nhiều chính quyền địa phương vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết theo thẩm quyền. Việc phổ biến và tập huấn các quy định mới của Luật Đất đai cũng chưa được thực hiện đồng bộ, gây lúng túng cho cả chính quyền và người dân trong việc áp dụng luật.

"Cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan nhà nước cần chú trọng hơn trong việc triển khai các đạo luật quan trọng này, đảm bảo việc thực thi đúng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân," ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Một vấn đề nổi bật khác mà cử tri đặc biệt quan tâm là tiến độ chậm trễ của các dự án nhà ở xã hội. Gần hết năm 2024, nhưng nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn chưa đạt tiến độ như mong đợi. Nhiều công nhân và người có thu nhập thấp bày tỏ bức xúc khi không thể tiếp cận được các dự án này. Ngoài ra, các quy định về đối tượng được mua nhà ở xã hội còn tồn tại nhiều bất cập cần được xem xét và giải quyết kịp thời.

Bên cạnh những vấn đề về luật pháp và nhà ở, cử tri cũng bày tỏ niềm tin tưởng sâu sắc vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực của Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Cử tri và nhân dân đồng lòng ủng hộ những bài phát biểu, chỉ đạo cụ thể của Tổng Bí thư, thể hiện quyết tâm cao trong việc xử lý các hành vi tham nhũng.

Cử tri mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục có những đánh giá khách quan về nguyên nhân chính của tình trạng tham nhũng, tiêu cực và lãng phí để có các giải pháp hiệu quả hơn trong công tác phòng chống.

Trong phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, cũng báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó nhấn mạnh đến những thách thức trên thị trường bất động sản. Mặc dù thị trường có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa cân đối, giá nhà chung cư bị đẩy lên cao khiến người dân khó có khả năng tiếp cận.

Đặc biệt, tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, gây tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Ông Thanh cảnh báo về hiện tượng lũng đoạn, thổi giá và đầu cơ đất đai, khiến giá đất bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Cử tri mong muốn Quốc hội và Chính phủ sớm đưa ra các biện pháp khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và các luật liên quan. Đồng thời, đề xuất các giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng "bỏ cọc" trong đấu giá đất và giảm thiểu tình trạng đầu cơ đất đai.

Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe và thảo luận các ý kiến của cử tri, đảm bảo các đạo luật được thực thi hiệu quả, đồng thời khắc phục những tồn đọng, mở đường cho sự phát triển bền vững của đất nước.

 
Bình luận