Chất lượng nguồn nhân lực : Thiếu kỹ năng mềm

(VOH) - Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp đó là đa phần người lao động thiếu kỹ năng mềm khi làm việc trong môi trường công nghiệp và hội nhập.

Công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại diễn đàn chính sách tác động của cộng đồng kinh tế ASEAN đến thị trường lao động Việt Nam diễn ra tại Hà Nội mới đây cho thấy: năng suất lao động của người Việt Nam rơi vào mức thấp nhất châu Á. So sánh riêng ở khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của người Singapore và chỉ bằng 1/5 người Malaysia.

Tại sao năng suất lao động thấp trong khi người lao động Việt Nam luôn được đánh giá là cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi, tiếp cận nhanh với công nghệ hiện đại và luôn sáng tạo ?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp đó là đa phần người lao động thiếu các kỹ năng mềm cần thiết khi làm việc trong môi trường công nghiệp và hội nhập. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho rằng, kỹ năng mềm phải do người lao động tự học và tự trang bị từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Kỹ năng mềm sẽ là 1 lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào thị trường lao động. "Doanh nghiệp chỉ chú trọng 25% về bằng cấp, còn lại 75% là các yếu tố kỹ năng, tư duy, suy nghĩ của người lao động, trong đó doanh nghiệp quan tâm nhất là kỹ năng về giao tiếp. Chính vì yếu tố này, nhiều thanh niên còn gặp trở ngại, nhất là học sinh, sinh viên. Trong quá trình học tập, các em cần phải tham gia vào việc làm, phải thực tập,cọ xát xã hội mới rèn luyện được".

Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, nguyên Trưởng ban Triết học và Chính trị - Viện nghiên cứu phát triển thành phố kể lại câu chuyện về một kỹ sư trẻ mới ra trường khi đi xin việc khiến ông luôn trăn trở về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay. Kỹ sư này rất giỏi chuyên môn nhưng đã bị từ chối tuyển dụng chỉ vì thiếu trách nhiệm với xã hội. Đó là khi đến nơi dự tuyển, nhìn thấy 1 vòi nước đang chảy mà bỏ đi và không khóa lại. Điều này cũng cho thấy người lao động thiếu trang bị kỹ năng xã hội, ứng xử có trách nhiệm bên ngoài xã hội khi cần thiết. "Chúng ta thiếu nhất là đào tạo kỹ năng xã hội, kỹ năng ứng xử. Nhà trường không chỉ đào tạo chuyên môn mà còn phải đào tạo những người trở thành công dân có trách nhiệm. Sinh viên cần trách nhiệm xã hội vì nó tác động đến cách suy nghĩ của người quản lý, của người đào tạo và đặc biệt là tác động đến người lao động trong quá trình tham gia tìm việc làm". Ông Thâm nhấn mạnh. 

Người lao động tham gia khóa đào tạo kỹ năng mềm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM - Ảnh: NLĐ.

Một nguyên nhân khác khiến năng suất lao động thấp là người lao động chưa qua đào tạo kỹ về chuyên môn hoặc nếu có đào tạo thì không phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến thực trạng là doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động đúng theo yêu cầu, còn người lao động thì thất nghiệp, khó xin được việc làm dù đạt trình độ là cử nhân hay thạc sĩ. Vấn đề muôn thuở vẫn là các trường không đào tạo cái doanh nghiệp cần, nặng lý thuyết hơn thực hành. Phần lớn doanh nghiệp đều phải tốn công đào tạo lại. Điều này lý giải vì sao có đến 60% sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là kỹ năng nghề; 20% cử nhân đại học tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc; tỷ lệ thất nghiệp của người lao động có trình độ chiếm đến 5%.

Tiến sĩ Lê Anh Duy, Đại học Sài Gòn cho rằng, trong đào tạo bậc đại học cần chú trọng hơn đến kỹ năng thực hành cho sinh viên, từ đó khi ra trường, người lao động sẽ đáp ứng ngay yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp: "Xã hội bây giờ cần người vừa kiến thức nhưng mà có kỹ năng nữa. Thậm chí trong thực tế, khi xử lý vấn đề lại cần kỹ năng nhiều hơn. Một số trường đã bắt đầu nhận ra và có thay đổi trong đào tạo. Theo tôi, quan trọng là giảng viên, bởi giảng viên không có thực tế, kỹ năng nhiều thì làm sao sinh viên có kỹ năng được".

Thạc sĩ Nguyễn Quang Giải, Trung tâm nghiên cứu đô thị và Phát triển thành phố : "Phải đào tạo tập trung kỹ năng mềm và chuyên môn giỏi mới đáp ứng được yêu cầu mới. Về phía các đơn vị tuyển dụng cũng phải chấp nhận giai đoạn đầu có những cái ”chênh” , phải chấp nhận đào tạo lại và trải qua giai đoạn thử việc".

Đa số lao động ở vùng đô thị hóa thường chấp nhận việc làm giản đơn ở các KCX-KCN vì họ ít được đào tạo. Nhưng khi yêu cầu của thị trường lao động càng cao thì việc làm của họ khó có thể bền vững. Do đó, để giải quyết vấn đề này, nhà đào tạo cần tăng cường nắm bắt thông tin thị trường lao động để có chương trình đào tạo phù hợp. Phía doanh nghiệp phải chấp nhân cho lao động thử việc và tái đào tạo để tránh tình trạng cung –cầu không gặp nhau. 

Bình luận