Nội dung này nằm trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 74 về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023–2030.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính, đã ký công văn số 03 gửi các tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Công văn này định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo tiến độ, quy trình thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Theo quy định tại khoản 3, điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2025, mọi đề án về việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể đơn vị hành chính đều phải được lấy ý kiến người dân tại các xã chịu tác động trực tiếp. Việc tổ chức lấy ý kiến sẽ do UBND cấp tỉnh thực hiện bằng các hình thức phù hợp, tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương.
Ban chỉ đạo của Chính phủ cho biết, việc lấy ý kiến người dân về đề án sáp nhập cấp xã có thể thực hiện đồng thời với lấy ý kiến về đề án sáp nhập cấp tỉnh, nhằm tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả thực hiện.
UBND các tỉnh sẽ chủ trì tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình tại các địa phương dự kiến sáp nhập. Tại cấp tỉnh, việc lấy ý kiến thực hiện trên toàn địa bàn đơn vị hành chính dự kiến thay đổi. Ở cấp xã, việc này tập trung vào các xã bị tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp.
UBND tỉnh có thẩm quyền quyết định nội dung, hình thức, trình tự và thời gian lấy ý kiến phù hợp với tình hình địa phương, miễn là đảm bảo đúng tiến độ trình hồ sơ đề án theo yêu cầu tại Kết luận số 137 và Nghị quyết 74 của Chính phủ.
Một số hình thức lấy ý kiến có thể áp dụng gồm: phát phiếu đến từng hộ dân (theo mẫu thống nhất của Chính phủ), lấy phiếu điện tử thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh, tổ chức họp đại diện hộ dân tại các thôn, tổ dân phố để biểu quyết, hoặc các phương án phù hợp khác.
Về phía cơ quan chủ trì xây dựng đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Ban Thường vụ tỉnh ủy hoặc thành ủy của địa phương được chọn làm trung tâm chính trị - hành chính sẽ là đơn vị đầu mối. Cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với địa phương cùng sáp nhập để hoàn thiện đề án trình cấp có thẩm quyền.
Tại mỗi địa phương, Ban Thường vụ tỉnh ủy hoặc thành ủy sẽ chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến người dân trên địa bàn quản lý. UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, tổng hợp kết quả và hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nội vụ thẩm định.
Theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ đề án sắp xếp cấp tỉnh cần có đầy đủ báo cáo tổng hợp ý kiến người dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp, cùng các cơ quan liên quan. Sau khi hoàn tất khâu lấy ý kiến, UBND tỉnh sẽ gửi đề án để HĐND các cấp thảo luận, biểu quyết. Kết quả được tổng hợp và chuyển Bộ Nội vụ xem xét, thẩm định trước khi trình Quốc hội quyết định.
Với cấp xã, quy trình tổ chức lấy ý kiến cũng tương tự, bảo đảm sự tham gia thực chất của người dân trong quá trình xây dựng và triển khai đề án. Mục tiêu là đảm bảo sự đồng thuận xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lại đơn vị hành chính một cách hiệu quả, hợp lý.