Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo việc sắp xếp không gián đoạn và không gây khoảng trống pháp lý. Việc kết thúc hoạt động cấp huyện sẽ đồng thời với việc chính quyền địa phương hai cấp đi vào vận hành ổn định, thống nhất từ trung ương đến cơ sở.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ tham mưu, trình Quốc hội ban hành các luật mới thay thế Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành và Luật Cán bộ, công chức, hoàn thành trước ngày 30-4. Bên cạnh đó, các văn bản quan trọng như dự thảo nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, nghị định quy định số lượng phó chủ tịch UBND, quy trình nhân sự và tổ chức cơ quan chuyên môn cũng phải được hoàn tất trong quý 2 năm nay.
Một trong những yêu cầu cấp thiết là thay thế Nghị định 61 về cơ chế một cửa, một cửa liên thông – nền tảng trong cải cách hành chính – với thời hạn hoàn thành trước 3-6. Đồng thời, các thông tư hướng dẫn việc sắp xếp, kiện toàn hoạt động của HĐND, UBND phường, xã và đặc khu; quy định về tiêu chuẩn chức danh, ngạch, chế độ tiền lương, vị trí việc làm, bố trí cán bộ, công chức… cũng phải ban hành trước 10-4.
Ở cấp tỉnh, việc lập và trình hồ sơ đề án sáp nhập sẽ được thực hiện theo lộ trình chặt chẽ: UBND tỉnh hoàn tất hồ sơ trước 1-5, Bộ Nội vụ thẩm định và trình Quốc hội trước 30-5. Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua đề án trước ngày 20-6. Đối với cấp xã, quy trình lập đề án và thẩm định cũng phải hoàn tất trước cuối tháng 5.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành trung ương nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp lại hệ thống cơ quan chuyên ngành theo địa bàn hành chính mới, bao gồm thuế, kho bạc, hải quan, bảo hiểm xã hội, thống kê và ngân hàng… nhằm đảm bảo hoạt động đồng bộ và hiệu quả.
Dự kiến vào ngày 18-4, một hội nghị toàn quốc sẽ được tổ chức để triển khai Nghị quyết 74 đến các bộ, ngành và địa phương ngay sau hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị.
Toàn bộ kế hoạch sắp xếp và tổ chức lại chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã sẽ được tổng kết trước ngày 20-9, đánh dấu một bước chuyển đổi lớn trong bộ máy hành chính, hướng tới tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả hơn trong quản lý nhà nước.
Việc chấm dứt cấp huyện và tổ chức lại theo mô hình hai cấp được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá về cải cách hành chính, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn trong giai đoạn phát triển mới.