Chốt thời gian khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước 31/12/2026

VOH - Ngày 23/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 106 về kế hoạch triển khai Nghị quyết 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt dài khoảng 1.541 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Tuyến đường sẽ được đầu tư hệ thống phương tiện hiện đại, có thể vận chuyển cả hành khách lẫn hàng hóa khi cần, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng, phục vụ quốc phòng và an ninh.

Dự án được Quốc hội xác định là công trình quan trọng quốc gia, lần đầu tiên áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Đây cũng là lần đầu Việt Nam triển khai một hệ thống đường sắt tốc độ cao, yêu cầu kỹ thuật và công nghệ hiện đại.

duong-sat-toc-do-cao-anh-minh-hoa-v
Ảnh minh họa: VGP

Chính phủ giao các bộ, ngành nhanh chóng ban hành các nghị định về thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED), tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, phát triển công nghiệp đường sắt, và cả hướng dẫn sử dụng tạm thời diện tích rừng để thi công công trình.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2035, tầm nhìn 2045, và đề án đào tạo nhân lực phục vụ dự án, đảm bảo các lĩnh vực then chốt như xây dựng, điện lực, tín hiệu, công nghiệp phụ trợ đều có nguồn lực đáp ứng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ được tái cơ cấu để tham gia vào dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cho đến vận hành và bảo trì sau khi hoàn thành.

Tiến độ được nêu rõ trong Nghị quyết: Chính phủ sẽ trình Báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 8/2026, hoàn thành thẩm định trong tháng 9, bàn giao mặt bằng và lựa chọn nhà thầu trong quý IV cùng năm.

Mục tiêu là khởi công trước ngày 31/12/2026, thi công liên tục để đưa dự án vào vận hành từ năm 2035.

Dự án cũng xác định rõ định hướng phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng định hướng (TOD).

Các địa phương sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận ga, tổ chức đấu giá đất nhằm phát triển đô thị, tái đầu tư ngân sách cho cả địa phương và Trung ương.

Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ và định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Xây dựng để tổng hợp trình Chính phủ và Ban Chỉ đạo.

Bình luận