Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Hòn Tàu - Đèo Le

(VOH) - Sáng 18/12, tại xã Quế Long, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) diễn ra Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Hòn Tàu - Đèo Le.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự, phát biểu tại buổi lễ và thực hiện nghi lễ cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Hòn Tàu - Đèo Le
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành Khu tưởng niệm Hòn Tàu - Đèo Le

Công trình Khu tưởng niệm Hòn Tàu - Đèo Le hoàn thành sau 10 tháng thi công gồm nhiều hạng mục như nhà tưởng niệm, tượng phù điêu, nhà đón tiếp và bảo vệ, vòng tròn trung tâm, bãi đỗ xe… với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.

Chủ tịch nước đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của huyện Quế Sơn cùng Ban vận động xây dựng Khu tưởng niệm Hòn Tàu - Đèo Le đã huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng công trình Khu tưởng niệm.

Việc tổ chức trọng thể Lễ khánh thành Khu tưởng niệm cũng là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, tri ân quá trình hoạt động cách mạng hào hùng, anh dũng, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sỹ Quế Sơn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc

Công trình khẳng định tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của đất nước ta là chính nghĩa, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho huyện Quế Sơn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho huyện Quế Sơn.

Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quế Sơn chú trọng giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, quản lý và phát huy công trình Khu tưởng niệm Hòn Tàu - Đèo Le thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Hòn Tàu là dãy núi có vị trí đặc biệt quan trọng, là “huyện lỵ đỏ”, nơi diễn ra nhiều kỳ Đại hội và hội nghị có ý nghĩa lịch sử quan trọng của Đảng bộ huyện Quế Sơn trong kháng chiến.

Trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp, Hòn Tàu được coi là thánh địa của “Tân Tỉnh”, sau này là nơi trú quân, huấn luyện, học tập, kho hậu cần của cán bộ, bộ đội ta; nơi làm việc của các cơ quan lãnh đạo huyện Quế Sơn và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Đà và một số cơ quan của Khu ủy Khu 5.

Tại nơi này, hàng nghìn cán bộ, bộ đội, du kích và nhân dân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, nhiều người còn ở độ tuổi đôi mươi. Máu của đồng bào, đồng chí đã thấm sâu vào đất Hòn Tàu - Đèo Le, hòa quyện vào đất mẹ Quế Sơn anh hùng.

Bình luận