Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đại biểu Quốc hội: Quy định về thuế TNCN và mức giảm trừ gia cảnh… không còn phù hợp

VOH - Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm thuế giá trị gia tăng...

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế hiện nay và mỗi người phụ thuộc duy trì từ tháng 7/2020… không còn phù hợp mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.

"Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ cho các lĩnh vực đều tăng khiến chi phí sinh hoạt của người dân bị đội lên. Với những người sống tại các khu đô thị, chi phí cuộc sống nhiều hơn khi giá thuê nhà, phòng trọ, tiền điện nước, hàng hóa dịch vụ đều tăng. Gia đình có con em đi học sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí khác", đại biểu Mai nói.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu quan điểm về mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu quan điểm về mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân - Ảnh: Quochoi.vn

Bà Mai cho rằng thuế thu nhập cá nhân hiện nay được coi như công cụ giúp điều tiết vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội thông qua việc điều tiết giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những đối tượng thu nhập thấp hơn.

Tuy nhiên, việc quy định 7 bậc thuế như hiện nay chưa đảm bảo phù hợp thực tế. Vì vậy, việc giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp kê khai, thu nộp và quản lý thuế dễ dàng hơn.   

Cần giảm thuế, phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trong phiên thảo luận sáng nay, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng mục tiêu đạt GDP 6,5% là khó khăn. “Thực trạng tín dụng, thu chi ngân sách, thị trường chứng khoán cho thấy bức tranh chân thực sức khỏe doanh nghiệp và nền kinh tế đang bị bào mòn"

"Tổng cầu đầu tư, tiêu dùng đều suy giảm, nên cần giảm thuế, phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) bày tỏ lo lắng khi việc giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.

Ông Thắng đề nghị có giải pháp quyết liệt đẩy nhanh vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn trong giải ngân, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư, chủ động rà soát và điều chuyển vốn…

Bình luận