Ước tính, tổng kinh phí ngân sách nhà nước cần chi trả để thực hiện chính sách này là khoảng 30.000 tỉ đồng mỗi năm.
Theo dự thảo, trẻ em mầm non, học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) trong các trường công lập sẽ được miễn học phí. Đối với học sinh tiểu học, hiện tại theo luật đã quy định không phải đóng học phí trong các trường công lập, nên chính sách này sẽ tiếp tục được duy trì.
Riêng học sinh tiểu học theo học tại các cơ sở giáo dục tư thục ở những địa bàn không đủ trường công lập, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

Về đối tượng được miễn học phí, Luật Giáo dục 2019 và Nghị định 81/2021 nêu rõ:
-
Trẻ em mầm non 5 tuổi ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, hải đảo... đã được miễn học phí từ nhiều năm trước.
-
Trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc khu vực khó khăn sẽ được miễn học phí từ năm học 2024-2025, bắt đầu từ ngày 1-9-2024.
-
Học sinh THCS ở khu vực đặc biệt khó khăn đã được miễn học phí từ năm học 2022-2023.
-
Học sinh THCS ở các khu vực còn lại sẽ được miễn học phí từ năm học 2025-2026, áp dụng từ ngày 1-9-2025.
Theo thống kê năm học 2023-2024, cả nước có khoảng 23,2 triệu học sinh, trong đó có 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%. Theo từng cấp học, số lượng bao gồm:
-
4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu công lập)
-
8,8 triệu học sinh tiểu học
-
6,5 triệu học sinh THCS
-
2,99 triệu học sinh THPT
Căn cứ theo mức học phí tối thiểu quy định tại Nghị định 81/2021 và Nghị định 97/2023, Bộ GD&ĐT ước tính tổng kinh phí thực hiện miễn học phí cho toàn bộ học sinh mầm non, phổ thông công lập, cùng khoản hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập là khoảng 30.000 tỉ đồng mỗi năm.
Trong đó, 22.500 tỉ đồng là phần ngân sách đã được thực hiện, và phần tăng thêm do thực hiện chính sách miễn học phí theo dự thảo Nghị quyết là hơn 8.200 tỉ đồng.
Bộ GD&ĐT cho biết, việc thực hiện chính sách này sẽ giảm áp lực tài chính lên các gia đình, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tiếp cận giáo dục một cách công bằng, không phân biệt vùng miền hay điều kiện kinh tế.
Ngoài ra, chính sách này còn tác động tích cực đến tâm lý xã hội, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và hệ thống giáo dục công lập. Bên cạnh đó, phần học phí tiết kiệm được cũng có thể góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong các lĩnh vực khác.
Để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, Bộ GD&ĐT đề xuất hỗ trợ học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục tư thục. Mức hỗ trợ không vượt quá mức trần học phí của các trường công lập chưa tự chủ, do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành theo từng năm học.
Hiện dự thảo đang được lấy ý kiến để trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.