Đề xuất tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm

VOH - Bộ Nội vụ cho biết, hiện khái niệm vị trí việc làm được hiểu là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), trong đó đề xuất tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời tạo sự linh hoạt trong quản lý nhân sự.

o noivu_voh
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. - Ảnh: VGP

Bổ sung quy định về vị trí việc làm

Trong dự thảo tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ nhấn mạnh nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức hiện nay dựa trên sự kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại chất lượng công chức vẫn chưa hoàn toàn dựa trên vị trí việc làm, gây nhiều vướng mắc trong thực tiễn.

Bộ Nội vụ cho biết, hiện khái niệm vị trí việc làm được hiểu là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế. Tuy nhiên, cách tiếp cận này còn chồng chéo với tiêu chuẩn ngạch công chức, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức.

Vì vậy, dự thảo luật bổ sung Chương III với 4 điều (từ điều 11 đến điều 14) nhằm làm rõ hơn về nội dung quản lý vị trí việc làm. Các quy định mới sẽ bao gồm khái niệm vị trí việc làm, cách phân loại, căn cứ xác định, thay đổi và quản lý vị trí việc làm.

4 căn cứ xác định vị trí việc làm

Điều 12 của dự thảo luật nêu rõ 4 căn cứ quan trọng để xác định vị trí việc làm tại các cơ quan, tổ chức:

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị.

Mức độ phức tạp, quy mô hoạt động và tính chất công việc, bao gồm phạm vi, đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn theo quy định của pháp luật.

Mức độ hiện đại hóa công sở, bao gồm trang thiết bị, phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Điều kiện đặc thù tại địa phương, như vị trí địa lý, quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và tình hình an ninh - trật tự.

Dựa trên các căn cứ này, cơ quan quản lý công chức sẽ quy định phương thức kiểm tra, sát hạch, đánh giá để bố trí công chức vào vị trí phù hợp với năng lực và trình độ chuyên môn.

Tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm

Dự thảo luật cũng đề xuất phương thức tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm, quy định cụ thể tại Điều 23.

Theo đó, việc tuyển dụng công chức sẽ được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Hình thức và nội dung của từng phương thức sẽ được điều chỉnh phù hợp với đặc thù từng ngành, nghề nhằm đảm bảo lựa chọn được những người có phẩm chất, trình độ và năng lực phù hợp với yêu cầu công việc.

Đối tượng xét tuyển gồm:

Người đang làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị nhưng chưa phải công chức.

Chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng.

Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Người dân tộc thiểu số, đối tượng cử tuyển.

Các cá nhân có năng lực phù hợp từ khu vực ngoài Nhà nước.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất linh hoạt hơn trong quản lý nhân sự bằng cách cho phép ký hợp đồng thực hiện một số nhiệm vụ của công chức, thay vì tuyển dụng chính thức. Điều này giúp cơ quan nhà nước có thể tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài khi cần thiết.

Linh hoạt trong sử dụng nhân lực

Bên cạnh việc quy định rõ các vị trí việc làm phải tuyển dụng công chức, dự thảo luật cũng bổ sung quy định cho phép ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí. Điều này nhằm tạo sự linh hoạt trong sử dụng nhân lực, giúp các cơ quan hành chính công khai, minh bạch hơn trong việc bổ nhiệm và sử dụng nhân sự.

Việc triển khai mô hình tuyển dụng theo vị trí việc làm được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tình trạng tuyển dụng theo cảm tính hoặc chạy biên chế, đồng thời tạo cơ hội thu hút nhân tài vào khu vực công.

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) hiện đang được lấy ý kiến và sẽ trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.

Bình luận