Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đêm 7/9, tâm bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến phía bắc Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên

VOH - Chiều 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp giao ban thứ 3 trong ngày của Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 3.

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, cấp độ gió ở Quảng Ninh, Hải Phòng đã giảm sau khi tâm bão số 3 đi sâu vào đất liền.

Tâm bão số 3 đang trên tỉnh Hải Dương, có sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-13, tốc độ di chuyển 10 km/h.

Dự báo, trong đêm 7/9, tâm bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phía bắc Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên. Tiếp đó, bão sẽ di chuyển đến Hòa Bình, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

pho-thu-tuong-chi-huy-bao-070924-1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương tập trung cao độ khôi phục hệ thống điện, thông tin liên lạc, đường giao thông - Ảnh: VGP

Dự báo, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa. Khu vực Tây Bắc Bộ sẽ có mưa từ 200-250 mm, lớn hơn dự báo ban đầu, do vậy, nguy cơ sạt lở tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cao hơn nhiều.

Vùng đồng bằng Bắc Bộ sẽ có mưa lớn gây ngập, úng diện rộng. Thiệt hại sơ bộ đến nay, đã có 4 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1), 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20).

Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương bị mất điện trên diện rộng.

Nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương.

Đáng chú ý, hệ thống thông tin liên lạc tại tỉnh Hải Dương bị gián đoạn ở một số địa phương, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống bão.

Tại tỉnh Hưng Yên có 10.676 ha lúa, cây ăn quả bị ngập úng; gãy đổ hàng nghìn cây xanh, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái. Tỉnh đã huy động máy phát điện để chuẩn bị bơm tiêu úng cho các diện tích lúa bị ngập lụt.

Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn đã báo cáo về 5 trường hợp tàu, thuyền, xà lan đang bị trôi dạt, bị chìm có người bị mất tích, chưa liên lạc được.

Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng cho biết lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư đã sẵn sàng con người, phương tiện để triển khai tìm kiếm, ứng cứu tàu, thuyền bị nạn; khẩn trương tìm kiếm người mất tích.

Phó Thủ tướng nêu rõ với thông tin dự báo mới nhất, các địa phương nằm trên đường đi của tâm bão như Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên… phải tập trung chỉ đạo, duy trì nghiêm lệnh cấm đường, duy trì lực lượng "4 tại chỗ" có sự phối hợp nhịp nhàng.

Sau khi bão đã đi qua, các địa phương vùng đồng bằng cần nỗ lực cao nhất, nhanh chóng khôi phục lưới điện, hệ thống liên lạc, đường giao thông để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão; huy động các lực lượng tập trung hỗ trợ cho người dân có chỗ ở, cung cấp nước uống, lương thực, thực phẩm, không để ai bị đói, bị rét.

Lãnh đạo các tỉnh trung du, miền núi phía bắc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, kéo dài do hoàn lưu sau bão, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan liên quan, tập trung cao độ hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với những tàu, thuyền, sà lan đang bị trôi dạt, gặp nạn, các trường hợp bị mất tích, chưa liên lạc được, ngay khi điều kiện cho phép.

Bình luận