Tiêu điểm: Nhân Humanity

Doanh nghiệp nói lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội vẫn cao, thủ tục còn nhiều

VOH - Nhiều doanh nghiệp đề nghị nghiên cứu hạ lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ đồng tại hội nghị về nhà ở xã hội ngày 16/3.

Theo Bộ Xây dựng, để tháo gỡ về chính sách nhà ở xã hội, dự kiến tháng 5/2024, các văn bản hướng dẫn các luật Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng sẽ được trình Chính phủ, làm cơ sở để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho phép các luật có hiệu lực sớm, dự kiến 1/7/2024.

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất gói 120.000 tỉ đồng phù hợp từng giai đoạn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn.

Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước từ nguồn đầu tư công cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định.

Theo đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội, giai đoạn 2024-2025 nhu cầu là 12.000 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước cấp 50% là 6.000 tỷ đồng, mỗi năm cấp 3.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nói lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội vẫn cao, thủ tục còn nhiều
Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội - Ảnh: VGP

Các bộ Công an, Quốc phòng phấn đấu trong năm nay, mỗi bộ sẽ thực hiện 5.000 căn hộ; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phấn đấu thực hiện 2.000 căn hộ. Các đơn vị chuẩn bị quỹ đất, nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện.

Với các dự án đã khởi công, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thường xuyên đôn đốc để hoàn thành dự án ngay trong năm 2024; hướng dẫn, tạo điều kiện các dự án được nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo đúng quy định pháp luật.

Dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng... để khởi công, xây dựng ngay trong năm 2024.

Các đề xuất trên của Bộ Xây dựng đưa ra trên cơ sở thời gian qua, nguồn cung nhà ở xã hội dù đã được cải thiện song chưa đáp ứng yêu cầu. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 640 tỷ đồng.

Hiện mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay.

Lãi suất áp dụng cho chủ đầu tư 8% cho 3 năm, người mua nhà là 7,5% cho 5 năm chưa thực sự thu hút người vay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, phó tổng giám đốc Tổng công ty Becamex, cho biết trong quý 1 sẽ khởi công 2.000 căn hộ, đã kêu gọi sự đồng hành các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, lãi vay cho người lao động vẫn còn cao và thời gian vay cho người lao động còn ngắn.

Ông Nguyễn Việt Quang - phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cũng cho rằng việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn chưa thuận lợi. Mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội còn cao.

Số lượng thủ tục nhà ở xã hội đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, với tổng thời gian từ khi triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm. Chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xây dựng các công trình hạng mục này chưa rõ ràng.

Ông Quang kiến nghị cần xem xét cắt giảm tối đa các thủ tục, ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.

Xem xét điều chỉnh lại suất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội, lãi suất cho vay. Trên cơ sở ngân sách thực hiện, xem xét hoặc cấp bù chênh lệch lãi suất nếu chủ đầu tư thấy khách hàng vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng và thuê, mua nhà ở xã hội.

Bình luận