Tiêu điểm: Nhân Humanity

“Đồng chí Trần Văn Giàu- nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học- dấu ấn một nhân cách”

(VOH) - Kỷ niệm 105 năm ngày sinh GS Trần Văn Giàu (1911- 2016), sáng nay 15/9, tọa đàm kỷ niệm “Đồng chí Trần Văn Giàu- nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học- dấu ấn một nhân cách” đã được Thành ủy trang trọng tổ chức, nhằm khẳng định và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của GS Trần Văn Giàu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của miền Nam, của Đảng bộ và nhân dân thành phố.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ​phát biểu khai mạc buổi tọa đàm - Ảnh: TTO

GS Trần Văn Giàu sinh tại Long An, được gia đình cho lên Sài Gòn đi học, sau đó sang Pháp với mong muốn mang về hai bằng Tiến sĩ. Trên đất Pháp, người thanh niên Trần Văn Giàu đã gặp gỡ những người cộng sản Pháp, được đọc tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc và đứng vào hàng ngũ những người cộng sản Pháp.

Năm 1930, Trần Văn Giàu tham gia biểu tình trước Dinh Tổng thống Pháp, đòi hủy bỏ bản án tử hình đối với thủ lĩnh Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học cùng các chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Do đó, ông bị trục xuất về Việt Nam.

Về nước, tháng 8/1930, GS Trần Văn Giàu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được đưa đi học tại Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô vào năm 1931. Ông cùng với một số đảng viên gầy dựng tổ chức Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 4 năm 1935, ông bị bắt, 7 năm tù đày bắt đầu từ Khám Lớn Sài Gòn, sau đó là địa ngục trần gian Côn Đảo và cuối cùng là “căng” an trí Tà Lài.

Sau thất bại của Khởi nghĩa Nam Kỳ, GS Trần Văn Giàu và Đảng ủy “căng” Tà Lài quyết định tổ chức vượt ngục trở về khôi phục lại phong trào. Tháng 10/1943, tại hội nghị Chợ Gạo, Xứ ủy Nam Kỳ được tái lập và Trần Văn Giàu được bầu làm Bí thứ Xứ ủy. Bản lĩnh, trí tuệ của người con miền Nam Trần Văn Giàu được thể hiện rõ rệt, sinh động, để lại những dấu ấn sâu sắc, những chiến công lẫy lừng ở Nam Bộ.

Về công lao của nhà lão thành Cách mạng – GS Trần Văn Giàu, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP nhìn nhận:  “Trên suốt chặng đường dài lịch sử, nhân dân Sài Gòn-  miền Nam luôn giữ vững lời thề son sắt, đã hy sinh tất cả vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất nước nhà, và bằng thắng lợi cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quá trình gian khổ ấy, in dấu công lao của đồng chí, đồng bào, của nhiều bậc cách mạng tiền bối, trong đó có đồng chí Trần Văn Giàu trong những ngày đầu “đi trư ớc” của hành trình “đi trước về sau” của miền Nam. Đặc biệt, đối với lịch sử của dân tộc Việt Nam, lịch sử của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều dấu mốc quan trọng, nhưng Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự kiện Nam Bộ kháng chiến có ý nghĩa đặc biệt. Đó là hai sự kiện khẳng định ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, khẳng định quyết tâm giành và giữ quyền tự do độc lập của dân tộc.

Chúng ta nói đến một con người với niềm biết ơn và kính trọng, đó là đồng chí Trần Văn Giàu - người đã có dấu ấn đặc biệt trong cả hai sự kiện đó ở Sài Gòn – TPHCM”.

Giáo sư Trần Văn Giàu được xem là nhà cách mạng lão luyện, nhà sử học, nhà tư tưởng, nhà văn hóa đức độ, “cây đại thụ của nền sử học Việt Nam” và là nhà khoa học lớn của đất nước, có uy tín trong giới khoa học quốc tế. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, GS Trần Văn Giàu là tấm gương cho các thế hệ nhà nghiên cứu sử học của đất nước noi theo. PGS.TS Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trân trọng: “Giáo sư Trần văn Giàu vừa là nhà cách mạng chuyên nghiệp, vừa là nhà giáo mẫu mực, người thầy của nhiều thế hệ học trò, vừa là nhà khoa học lớn, cây đại thụ của khoa học chính trị và khoa học xã hội Việt Nam. Ở trong con người của GS Trần Văn Giàu là 3 con người: người cách mạng chuyên nghiệp, người thầy giáo mẫu mực, nhà khoa học lớn của đất nước, tất cả 3 con người đó hòa quện với nhau làm một con người, gắn kết chặt chẽ với nhau không thể phân li.

Với 17 năm công tác tại Viện Sử học, GS Trần Văn Giàu đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với quá trình tổ chức, xây dựng và phát triển của Viện trên tất cả các lĩnh vực nghiên cứu biên soạn lịch sử, tư vấn chính sách và đào tạo cán bộ. Các thế hệ cán bộ của Viện Sử học trước đây, hiện nay là sau này đã, đang và sẽ luôn biết ơn và nhớ mãi GS Trần Văn Giàu”.

Ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, Giáo sư Trần Văn Giàu đã không ngừng nghỉ, liên tục cho ra đời những bộ sách quý như Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Địa chí Văn hóa TP.HCM, Đạo làm người từ Lý Thường Kiệt đến Hồ Chí Minh, Vĩ đại một con người, Tổng tập Trần Văn Giàu, Hồ Chí Minh vĩ đại một con người, Long An những năm tháng chống Mỹ...

Với những đóng góp của mình, GS Trần Văn Giàu được Đảng và nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương và các danh hiệu cao quí như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập, Huân chương kháng chiến Hạng nhất, giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1 – 1996), danh hiệu nhà giáo nhân dân, danh hiệu anh hùng lao động,... Ông cũng là nhà khoa học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có giải thưởng khoa học mang tên mình ngay khi còn sống: Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu.

Suốt cuộc đời miệt mài lao động khoa học và sáng tạo, GS Trần Văn Giàu - người con ưu tú của quê hương Long An đã để lại cho thế hệ hôm nay những công trình nghiên cứu giá trị lịch sử, các tác phẩm nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội và văn học. Theo di nguyện của GS Trần Văn Giàu khi còn sống, năm 2011 gia đình ông và tỉnh Long An đã đưa toàn bộ kho sách của giáo sư tại nhà riêng ở TP.HCM về lưu giữ, bảo quản, trưng bày, giới thiệu tại thư viện tỉnh Long An.

Ông Trần Văn Kính – nguyên Thư kí Hội đồng biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến, nói về người con ưu tú của mảnh đất Long An trung dũng kiên cường: “Trong di sản của ông, bên cạnh bộ sách Miền Nam giữ vững thành đồng gồm 5 tập, gần 2500 trang, có tập Long An 21 năm đánh Mỹ. Viết về lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở tỉnh nhà là lý tưởng của ông tư những ngày sống trên miền Bắc, nhưng mãi đến khi trở về miền nam, và ở tuổi xưa nay hiếm mới thực hiện. Phản ánh chân thực diễn biến ở chiến trường qua các giai đoạn, những sự kiện và con người ở Long An trong 21 năm đánh Mỹ, tập sách kết thúc bằng những dòng đúc kết của tác giả về chiến tranh nhân dân.

Đối với ông, trong tình yêu quê hương, đất nước, có tình yêu gia đình, gia đình gắn liền với quê hương đất nước, chữ hiếu gắn với chữ trung. Vì yêu nước, ông dấn thân làm Cách Mạng. Vì yêu quê hương, ông sống hết mình với quê hương”.

GS Trần Văn Giàu trở thành một biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng về cuộc đời và sự nghiệp của một nhà cách mạng kiên trung, nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học uyên bác. 130 bài tham luận trong tọa đàm lần này khẳng định thêm 1 lần nữa sự dấn thân, hy sinh cho Cách mạng, cho đồng bào nam bộ nói riêng và cho đất nước nói chung của GS Trần Văn Giàu.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang phát biểu bế mạc buổi toạ đàm - Ảnh: TTO

Nói về phẩm chất cách mạng của GS Trần Văn Giàu, Phó bí thư Thành ủy Tất Thành Cang phân tích thêm: “Đồng chí Trần Văn Giàu là người sớm nhìn thấy việc học tập, rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết. Tự bản thân luôn rèn luyện học tập không ngừng.

Trong hoạt động Cách mạng cũng như trong lao động, đồng chí luôn chọn việc khó, luôn làm người mở đường và khai phá, không phải vì cố lập kì công để lưu danh hậu thế mà cốt phá cái thế bế tắc, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Đồng chí không chỉ để lại cho đời một di sản khoa học lịch sử triết học đồ sộ, quí giá mà còn để lại cho hậu thế tấm gương mẫu mực, thanh liêm, về sự hy sinh phấn đấu, phấn đấu trọn đời về lí tưởng của Đảng, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trên hết là tấm lòng nhân ái sâu sắc, tình cảm chân thành mà nhiều người tin yêu, quí trọng”.

GS Trần Văn Giàu - người có ảnh hưởng to lớn đối với những người yêu nước, đặc biệt là thanh niên. Tiếp bước con đường Cách mạng ấy, thế hệ trẻ hôm nay của thành phố càng quyết tâm phát huy hơn nữa những giá trị lịch sử, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới, năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trong đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bình luận