Động đất tiếp tục xảy ra tại Quảng Nam

VOH - Sáng 24/2, một trận động đất có độ lớn 3 tiếp tục xảy ra tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Đây là trận động đất thứ bảy được ghi nhận tại khu vực này từ đầu tháng 2-2025 đến nay.

Theo Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), trận động đất xảy ra lúc 9 giờ 18 phút, tại vị trí có tọa độ 15.178 độ vĩ Bắc, 108.078 độ kinh Đông. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang theo dõi diễn biến của trận động đất này.

Trước đó, vào ngày 22/2, khu vực này đã ghi nhận hai trận động đất liên tiếp với độ lớn lần lượt là 3,4 và 3, có độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, huyện Nam Trà My đã trải qua tổng cộng bảy trận động đất với độ lớn dao động từ 3 đến 3,5.

Dong dat 2024
Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo Viện Vật lý Địa cầu, các trận động đất tại Nam Trà My là động đất kích thích, xảy ra do tác động của việc tích nước hồ chứa thủy điện lên hệ thống đứt gãy bên dưới. Khu vực này từng trở thành điểm nóng động đất từ năm 2012, khi Thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu tích nước phát điện. Trong hơn một thập kỷ qua, hàng trăm trận động đất kích thích đã được ghi nhận tại đây, với trận mạnh nhất có độ lớn 4,7 gây rung chấn rộng khắp khu vực.

Dù số lượng động đất tại Nam Trà My đã giảm trong vài năm qua, nhưng theo các chuyên gia, khu vực này vẫn tiềm ẩn nguy cơ do nằm trên đới đứt gãy Rào Quán - A Lưới. Đới đứt gãy này kéo dài từ Lào, đi qua A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và tiếp tục tới Quy Nhơn (Bình Định). Ngoài Nam Trà My, huyện Kon Plông (Kon Tum) cũng là một điểm nóng động đất kích thích trong khu vực Tây Nguyên, với hoạt động địa chấn gia tăng đáng kể từ năm 2021 đến nay.

Một số yếu tố như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước và tổng lượng nước có thể ảnh hưởng đến động đất kích thích. Tuy nhiên, các tác động này không diễn ra ngay lập tức mà có thể kéo dài trong vài tháng hoặc vài năm sau khi nước thẩm thấu vào các lớp địa chất bên dưới.

Dự báo, các trận động đất tại khu vực Kon Plông và Nam Trà My vẫn có khả năng tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến các khu vực đông dân cư cũng như công trình trọng điểm. Chính quyền địa phương cần theo dõi sát tình hình, cập nhật thông tin thường xuyên và đưa ra các giải pháp thiết kế kháng chấn phù hợp cho các công trình.

Theo quy chế phòng, chống động đất và sóng thần, chính quyền các cấp khi nhận được tin động đất phải thông báo ngay cho người dân, tổ chức sơ tán khi cần thiết và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực. Người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng cần chủ động di chuyển khỏi vùng nguy hiểm để bảo đảm an toàn.

Bình luận