Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dự thảo luật: Cấm giáo viên phân biệt đối xử, siết chặt đạo đức nghề nghiệp

VOH - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình lên Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8.

Trong nỗ lực tăng cường quyền bảo vệ và đạo đức nghề nghiệp cho nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất cấm giáo viên phân biệt đối xử với học sinh dưới mọi hình thức.

Theo dự thảo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không chỉ phải tuân thủ các quy định đối với viên chức mà còn có những trách nhiệm riêng biệt trong công tác giáo dục.

Hoc sinh lop 10 2024
Ảnh minh hoạ

Cụ thể, nhà giáo không được phép phân biệt giữa những người học; không được gian lận hoặc làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh và đánh giá; không được ép buộc học sinh tham gia học thêm hoặc nộp các khoản tiền ngoài quy định.

Dự thảo Luật Nhà giáo còn nêu rõ, giáo viên không được lợi dụng chức danh của mình để thực hiện bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào.

Ngoài ra, giáo viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và giáo viên là người nước ngoài tại Việt Nam cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về đạo đức nghề nghiệp và tránh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động.

Bộ GD&ĐT cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng nhằm tăng cường quyền chủ động và tính sáng tạo của giáo viên trong giảng dạy, đồng thời bảo vệ họ trước những áp lực không đáng có từ các nguồn thông tin chưa được kiểm chứng. Theo dự thảo, các tổ chức và cá nhân cũng phải tránh việc công khai thông tin chưa có kết luận chính thức hoặc lan truyền thông tin không chính xác về giáo viên, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng quy định này có thể gây khó khăn khi kiểm tra và xử lý các trường hợp sai phạm của nhà giáo. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định rằng quy định này là cần thiết để bảo vệ giáo viên, bởi tính chất đặc thù của công việc giáo dục không chỉ ảnh hưởng đến nhà giáo mà còn tác động trực tiếp đến học sinh và môi trường giáo dục.

Ngày 12/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trình bày nội dung chính của dự thảo Luật Nhà giáo trước Quốc hội. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường vào ngày 20/11 và lắng nghe phần giải trình của Bộ GD&ĐT để làm rõ các nội dung mà đại biểu quan tâm.

Luật Nhà giáo mới, nếu được thông qua, sẽ đánh dấu bước tiến lớn trong việc nâng cao quyền và trách nhiệm của nhà giáo, đồng thời thiết lập một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn cho nghề giáo dục trong thời đại công nghệ thông tin phát triển.

Bình luận