Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dự thảo mẫu thẻ CCCD mới khác với mẫu đã ban hành ở điểm nào?

(VOH) - Bộ Công an đang lấy ý kiến đối dự thảo Luật căn cước công dân. Dự thảo sẽ thay đổi về hình thức mẫu CCCD so với mẫu được ban hành theo Luật CCCD 2014 ở điểm nào?

Dự thảo lần này đã sửa đổi nhiều nội dung. Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo đó là về nội dung thể hiện về hình thức trên CCCD.

Sau khi dự thảo được thông qua, Bộ Công an sẽ ban hành Thông tư quy định về mẫu thẻ CCCD mới, thay thế cho Thông tư 06/2021 hiện nay.

Dự thảo qui định sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ tại Luật CCCD hiện hành thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an” để phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật.

CCCD se ban hanh khac cu cho nao
Hình minh họa.

1/ Theo quy định hiện nay tại Luật CCCD 2014, mặt trước thẻ CCCD mặt trước có:

Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc;

Dòng chữ “Căn cước công dân”;

Ảnh người được cấp, số thẻ CCCD, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.

Mặt sau thẻ có:

Bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa;

Vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ;

Ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

2/ Theo dự thảo sửa đổi, nội dung thể hiện trên thẻ CCCD gồm:

Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

Dòng chữ “Căn cước công dân”;

Ảnh người được cấp; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn;

Dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an”.

3/ Như vậy các điểm khác sẽ là :

- Số Căn cước công dân sẽ được đổi thành mã số định danh cá nhân (vẫn là dãy số 12 chữ số như hiện hành).

- Quê quán đổi thành nơi đăng ký khai sinh.

- Nơi thường trú đổi thành nơi cư trú.

- Lược bỏ vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải).

- Đổi chữ ký của người cấp thẻ là Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an như hiện hành thành “Nơi cấp: Bộ Công an”.

Theo như đề xuất trong Dự thảo thì CMND chỉ có giá trị sử dụng đến hết năm 2024. Do đó, nếu Dự thảo Luật này được thông qua thì người dân có thể sử dụng các loại giấy tờ tùy thân song song (trừ CMND) gồm: CCCD mã vạch và CCCD gắn chip, CCCD gắn chip mẫu mới.

Theo đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06), trong trường hợp ban hành mẫu thẻ CCCD mới theo đề xuất của Bộ Công an thì những thẻ CCCD đã cấp vẫn có giá trị đến khi phải đổi thẻ theo quy định.

Điều đó cũng có nghĩa, người dân sở hữu CCCD mã vạch, CCCD gắn chip còn thời hạn sử dụng theo quy định sẽ không phải làm lại CCCD theo mẫu mới.

Luật Căn cước công dân 2014 đã quy định, thẻ CCCD là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về nhân thân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ CCCD còn được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

 Thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD như:

Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngoài ra, dự thảo cũng có một số qui định bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam.

Bình luận