Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhận định, mức giảm lần này có thể khá sâu, đặc biệt đối với mặt hàng xăng sinh học E5 RON92.
Ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Lâm Đồng – cho biết, căn cứ vào xu hướng giảm giá của dầu thế giới trong thời gian qua, giá xăng trong nước hôm nay có thể giảm khoảng 500 – 600 đồng/lít. Dầu diesel và dầu hỏa cũng được dự báo giảm khoảng 300 – 400 đồng/lít.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Hường – đại diện doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Nội – cho rằng giá xăng có thể giảm đến 700 đồng/lít, đưa giá bán lẻ các mặt hàng xăng xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Mô hình dự báo của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cũng đưa ra tín hiệu rõ ràng: nếu không sử dụng hoặc trích lập Quỹ bình ổn giá, giá xăng E5 RON92 có thể giảm tới 661 đồng, tương đương 3,5%, về mức 18.219 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON95 được dự báo giảm khoảng 595 đồng, tương đương 3,1%, xuống mức 18.605 đồng/lít.
Với nhóm mặt hàng dầu, mức giảm dao động từ 2 đến 2,4%. Dầu diesel có thể về mức 16.899 đồng/lít, dầu hỏa còn 16.992 đồng/lít, và dầu mazut giảm nhẹ còn khoảng 15.787 đồng/kg.
Đáng chú ý, trong kỳ điều hành ngày 10/4 vừa qua, giá xăng E5 RON92 đã giảm tới 1.491 đồng/lít – mức giảm mạnh nhất từ đầu năm, đưa giá xuống không cao hơn 18.882 đồng/lít. Xăng RON95 cũng giảm 1.712 đồng/lít, về mức 19.207 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm từ 1.100 – 1.300 đồng/lít hoặc kg.
Như vậy, từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường xăng dầu đã trải qua 15 kỳ điều hành, trong đó có 6 phiên giảm, 6 phiên tăng và 3 phiên điều chỉnh trái chiều. Xu hướng giảm gần đây đang tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, logistics và sinh hoạt.
Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI lúc 6h sáng 17/4 (giờ Việt Nam) đứng ở mức 62,65 USD/thùng, tăng 2,09% so với phiên trước. Giá dầu Brent đạt 65,92 USD/thùng, tăng 1,95%. Tuy nhiên, đà tăng này được đánh giá là không bền vững do áp lực từ chính sách thương mại thiếu ổn định của Mỹ, tồn kho dầu thô tăng và lo ngại về tăng trưởng nhu cầu thấp nhất trong 5 năm qua.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu năm nay sẽ tăng chậm hơn dự kiến, trong khi sản lượng từ OPEC+ vẫn giữ ở mức cao. Ngoài ra, các yếu tố địa chính trị và chính sách thuế quan của Mỹ cũng khiến giá dầu khó duy trì đà tăng ổn định.
Trong bối cảnh đó, thị trường trong nước đang ghi nhận kỳ vọng tích cực từ người tiêu dùng, khi giá xăng E5 RON92 có thể quay về sát mốc 18.000 đồng/lít – mức giá thấp nhất kể từ cuối năm 2023. Nếu kịch bản này thành hiện thực, đây sẽ là tin vui lớn trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, giúp giảm áp lực chi phí di chuyển cho người dân và doanh nghiệp vận tải.