Tiêu điểm: Nhân Humanity

Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm

(VOH) - HĐND TPHCM đã tiến hành đợt giám sát về tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá chung, ngành giao thông có nhiều nỗ lực, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, bộ mặt giao thông được cải thiện. Tuy nhiên, đánh giá đầy đủ, toàn diện thì các dự án chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đặc biệt, trên địa bàn còn khá nhiều dự án đang làm dang dở và phải dừng lại do ảnh hưởng công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó có nhiều dự án đã phải dừng lại nhiều năm nay do không có mặt bằng, ảnh hưởng đến vốn đầu tư và mất an toàn người dân đi lại. Giải phóng mặt bằng được xem là vướng mắc lớn nhất hiện nay.

giải phóng mặt bằng, thi công

"Lô cốt" mọc đầy đường phục vụ thi công hai dự án tại nút giao chân cầu Sài Gòn (Ảnh: NĐT).

Là một công trình giao thông trọng điểm, dự án đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy được triển khai từ năm 2017 theo chủ trương của UBND TPHCM, được kỳ vọng góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế xã hội của Thành phố nói chung và Quận 2 nói riêng.

Nút giao này có 10 hạng mục chính, hiện đã hoàn thành 3 hạng mục, đưa vào khai thác như cầu vượt nhánh trái 4 làn xe trên Vành đai 2, cầu Kỳ Hà nhánh trái, hầm chui từ Vành đai 2 rẽ trái về Cát Lái. Cầu Mỹ Thủy 3, không vướng mặt bằng nên dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Ông Lê Xuân Bắc, Phó Ban Quản lý đường bộ 2, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông cho biết, các hạng mục còn lại hầu hết đều vướng giải phóng mặt bằng. Diện tích toàn dự án hơn 16 ha. Nhiều hạng mục chưa thể triển khai do vướng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như kế hoạch giải ngân vốn hàng năm.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm như đường Phạm Văn Đồng, nút giao thông Đại học Quốc gia, các cầu vượt kết nối đường Võ Văn Kiệt,… qua đó đã góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực, kéo giảm tai nạn giao thông qua từng năm, khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu…

Tuy nhiên, khả năng huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông đang gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án hầu hết đều chậm.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố nhìn nhận, công tác giải phóng mặt bằng hiện đang mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ các công trình. Chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng rất lớn, chiếm trên 50% tổng mức đầu tư và mất rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục, thủ tục phức tạp, nhưng tháo gỡ vấn đề này đến hiện nay vẫn rất khó.

Chia sẻ về những khó khăn khách quan, đồng thời ghi nhận những nỗ lực điều hành của UBND thành phố và các sở ngành, quận huyện, tuy nhiên, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố cho rằng, sự phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Tiến độ các dự án như thế là rất chậm.

Về khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Trưởng Ban Đô thị, HĐND thành phố phân tích, việc áp dụng cứng nhắc giá bồi thường cũ, không theo kịp thị trường khiến cho người dân không đồng thuận và nhiều dự án tồn tại kéo dài đến 20 năm. Vì thế, các cấp có liên quan cần phải có sự phối hợp để tránh lãng phí nguồn vốn.

Theo ông Tuyến: “Vướng lớn nhất của các công trình là về bồi thường giải phóng mặt bằng, phần lớn các công trình đều giao về các quận huyện chịu trách nhiệm. Công trình kéo dài nhiều năm quá thì phải áp dụng nhiều chính sách về giá trong nhiều thời kỳ nên trở ngại lớn, có khi kéo dài đến 20 năm”.

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, trong 75 dự án Ban đang quản lý thì có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, chiếm đến 75% tổng số dự án. Đây là tồn tại đã rất lâu và Ban đã chọn các dự án cấp bách để báo cáo UBND thành phố tìm cách tháo gỡ.

Theo ông Lương Minh Phúc, để gỡ vướng thì rất cần vai trò của người đứng đầu các quận, huyện: “Có nghịch lý là công tác đền bù chờ đến 1, 2 năm nhưng thời gian thi công thì rất ngắn. Ví dụ đường Hoàng Hoa Thám chờ mặt bằng 2 năm nhưng thi công 6 tháng. Ban Giao thông khẳng định sẽ kiểm soát và đảm bảo thời gian thực hiện. Kiến nghị là phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và xem đây là nhiệm vụ chính trị trong công tác sắp tới để đẩy nhanh tiến độ các công trình”.

Khẳng định quan điểm thành phố xem phát triển giao thông xem là trọng điểm, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đã giành đến 37,5% tổng vốn đầu công giai đoạn 2016 - 2020 để phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nguồn vốn giành cho giao thông vẫn rất thiếu nên thành phố dồn sức để phát triển các công trình trọng điểm, không làm nhiều đường lớn mà chủ yếu tập trung giải quyết các nút thắt như sân bay, cảng biển, các trục đường kết nối giao thông TPHCM với các tỉnh lân cận.

Trong quản lý, thành phố liên tục kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, tăng cường phân cấp phân quyền cho địa phương chủ động. Thành phố cũng đang tìm các giải pháp để gỡ vướng trong bồi thường giải phóng mặt bằng, thí điểm quy trình 2 trong 1 mà Chính phủ đã cho phép.

Theo ông Võ Văn Hoan: “Ngay từ đầu năm, UBND Thành phố ban hành đơn giá của từng khu vực và coi như đó là T1, mà chính phủ cho phép. Trong năm dự án triển khai, lấy T1 ra tham khảo ý kiến người dân, thay vì mình phải thuê tư vấn làm T1, rồi lấy ý kiến dân mất 6 tháng. Cho nên T1 có từ đầu, biến động trong năm có thể là T2. T1 lấy ý kiến dân trước, rồi mời tư vấn thẩm định, sau đó xác định giá T2, rồi triển khai quyết định công bố bồi thường. Tinh thần là như thế, nhanh hơn một giai đoạn rất dài”.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Lệ đánh giá, đầu tư cho giao thông chiếm 39% trên tổng số vốn thành phố bố trí. Nhiều công trình đưa vào sử dụng cũng góp phần phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án tồn tại, kéo dài, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, như nút giao Mỹ Thủy, vành đai 2, cầu Bưng…

Sự đeo bám còn hạn chế, sự phối hợp với các đơn vị liên quan chưa đồng bộ, nhất là giải phóng mặt bằng. Chưa đánh giá hết tác động của dự án để thấy cái khó, cái vướng. Bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu các sở ngành, quận huyện liên quan nghiên cứu kỹ, bám sát Luật đầu tư công 2019, rà soát về pháp luật để thẩm định, tham mưu cho chặt chẽ. Trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, làm sao để hạn chế thấp nhất thiệt thòi cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Lệ đánh giá: “Xây cầu, đường xá là phục vụ cuộc sống người dân nhưng quá trình làm, cuộc sống người dân rất khó khăn do các công trình che chắn, ảnh hưởng đến môi trường, kẹt xe. Mình có bồi thường, nhưng đó cũng là sự hy sinh, đóng góp của người dân để chúng ta thực hiện dự án. Do đó, cần làm sao để hạn chế thấp nhất thiệt thòi cho người dân".

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ yêu cầu nâng cao trách nhiệm, tính chủ động và phát huy vai trò đầu mối, chủ trì của chủ đầu tư như phân công và xác định trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của từng cá nhân phụ trách dự án; tăng cường xây dựng kế hoạch, tiến độ và kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Cùng với đó, các đơn vị được giao trách nhiệm làm việc cụ thể với từng quận, huyện để thống nhất tiến độ và phối hợp triển khai trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với từng dự án…

Chọn dự án đầu tư một cách khoa học, không dàn trải, tập trung tháo gỡ vướng mắc những dự án kéo dài nhiều năm, hoàn thành lời hứa với dân, đưa các công trình vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Quy định mới về chế độ phụ cấp chức vụ, tiền ăn đối với Dân quân tự vệ - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.

Vai trò của truyền thông quan trọng trong EVFTA - EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 được cho là cơ hội lớn với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bình luận