Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để "dẹp" nạn phân bón giả

(VOH) - Sáng 15/11, Quốc hội bắt đầu vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày rưỡi. Phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh đã nhận được 35 ý kiến chất vấn và tranh luận của các đại biểu. 

 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Những vấn đề nóng được đặt ra tại nghị trường hôm nay là các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, kiểm soát kinh doanh đa cấp, việc quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới,… 

Phải thống nhất quản lý nhà nước về phân bón

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn nạn phân bón giả hiện nay. Đại biểu Võ Đình Tín – đoàn Đắk Nông viện dẫn con số gần 40.000 vụ vi phạm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, đồng thời chất vấn: “Vì sao hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn ra phổ biến nhưng không được xử lý? Xin bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết vấn nạn này?”

Đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNN đã cùng phối hợp làm việc, đề xuất với Chính phủ giao cho 1 cơ quan duy nhất quản lý mặt hàng phân bón, chứ không phải cả 2 bộ như hiện nay. Đồng thời tổ chức lại thị trường phân bón trong nước theo hướng giới hạn lại các mặt hàng phân bón.

Đề cập đến giải pháp về mặt quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết: “Chúng ta phải tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước đặc biệt của các lực lượng chức năng để đấu tranh chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón lậu, như lực lượng Quản lý thị trường, biên phòng, công an kinh tế,…

Phải sớm xây dựng hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn quốc gia cũng như hệ thống tiêu chuẩn để chúng ta thống nhất quản lý nhà nước về phân bón, và tạo điều kiện để phân bón phát triển bền vững với chất lượng đáp ứng được yêu cầu về môi trường cũng như yêu cầu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Bộ Công thương cũng đang xây dựng và có thể hoàn chỉnh đầu năm 2017 sẽ gửi Bộ KHCN thông qua hệ thống 16 bộ quy chuẩn quốc gia trong các loại phân bón, để thống nhất điều này”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn xuân Cường hôm nay cũng đã tham gia giải trình, nêu rõ việc song trùng trong quản lý về phân bón hiện nay. Theo đó, Bộ Công thương quản lý phân bón vô cơ, Bộ NN&PTNN quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác (như phân vi sinh và phân mùn,..) dẫn đến kẽ hở là các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện nay kinh doanh cả phân bón vô cơ và hữu cơ. Theo nghị định 202 của Chính phủ thì trường hợp này do Bộ Công thương chủ trì quản lý. Do vậy, nếu sự phối hợp của 2 Bộ không tốt thì đây chính là kẽ hở rất lớn trong quản lý phân bón.

Tổng kiểm tra quy trình xả lũ

Một nội dung khác cũng nhận được sự quan tâm của hầu hết ý kiến phát biểu chất vấn hôm nay là giải pháp an toàn xả lũ trong thời gian tới. Các đại biểu đặt vấn đề về quy trình xả lũ, vì sao đúng quy trình nhưng địa phương không biết, và hậu quả là người dân phải gánh chịu nhân tai.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – đoàn Bình Định, vừa nêu vấn đề vừa đề xuất giải pháp: “Thiệt hại do xả lũ gây ra vừa qua có phần là do thông tin xả lũ đến với người dân không kịp thời. Xin hỏi bộ trưởng, chúng ta áp dụng hệ thống còi báo động xả lũ chưa? Nếu chưa, có cần bổ sung thêm yêu cầu đối với các công trình thủy điện có nguy cơ gây ngập lụt cao, phải gắn còi báo động công suất lớn dọc theo bờ sông xả lũ hoặc tại các vùng trũng nơi lũ thường tràn về, để người dân biết trước mà phòng tránh kịp thời?”

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề cập đến quy trình xả lũ, chỉ rõ, theo nguyên tắc của xả lũ, của hồ thủy điện, thì chủ hồ, chủ đập thủy điện phải có nhiệm vụ thông báo cho chính quyền địa phương, cho bộ phận phòng, chống lụt bão của địa phương và các địa phương ở hạ lưu. Nhưng lại không nói rõ trong quy định là việc thông báo đó dưới những hình thức nào và đảm bảo yêu cầu như thế nào, dẫn đến có sự phối hợp chưa tốt giữa các chủ đập thủy điện với chính quyền các địa phương, đặc biệt trong các phương án phòng, chống lụt bão được phê duyệt.

Thời gian tới, Bộ công thương sẽ tổng kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ chất lượng của quy trình xả lũ cũng như phương án tham gia phối hợp về phòng chống lụt bão, đặc biệt đảm bảo an toàn ở hạ du căn cứ theo quy định của nhà nước, cùng nhiều giải pháp khác.

Cuối giờ chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn xoay quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Bình luận