Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hôm nay (28/10): Quốc hội tiếp tục thảo luận về KT-XH và kết quả thực hiện Nghị quyết 54

(VOH) – Sáng nay, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 8, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách 2023 và kết quả thực hiện Nghị quyết 54.

Thứ Sáu, ngày 28/10/2022: Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý). Quốc hội cũng sẽ thảo luận về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Phiên họp được phát trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ tiếp tục phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Hôm nay (28/10): Quốc hội tiếp tục thảo luận về KT-XH và kết quả thực hiện Nghị quyết 54 1
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 8.

5 năm thực hiện Nghị quyết số 54, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015. Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng Quý I đạt 1,87%, Quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011- 2015).

Việc điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực. Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn Thành phố phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, việc tổng kết Nghị quyết số 54 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với TPHCM mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước. 

Bình luận