Hôm nay Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam

HÀ NỘI - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Hà Nội vào hôm nay 14/4, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 15/4.

tap-can-binh-140425-1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân tới Hà Nội trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào năm 2023 - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ Việt - Trung trong bối cảnh hai nước đều đang bước vào kỷ nguyên mới, thời đại phát triển mới.

Dự kiến trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ có các cuộc hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, lần lượt có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn để trao đổi về các biện pháp, phương hướng, định hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực; ngoài ra đồng chí Tập Cận Bình cũng sẽ tham gia một số hoạt động đối ngoại quan trọng khác.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam kỳ vọng chuyến thăm sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp trên một số phương diện.

Thứ nhất, tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao, đặc biệt là tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, qua đó làm vững chắc hơn nữa nền tảng tin cậy chính trị, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị và phát triển đất nước, định hướng cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ song phương trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thứ hai, xác định những phương hướng lớn, trọng tâm triển khai hợp tác trên các lĩnh vực; nâng tầm hợp tác thực chất giữa hai nước theo hướng ngày càng chất lượng, hiệu quả, bền vững; thúc đẩy tạo "điểm sáng" về hợp tác trình độ cao, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kinh tế số, kinh tế xanh... đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.

Dự kiến trong chuyến thăm, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương hai bên sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực, tạo cơ sở quan trọng để triển khai hợp tác hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Thứ ba, lan tỏa hiệu ứng tích cực của chuyến thăm đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hai bên; thúc đẩy triển khai tốt Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, mở rộng hợp tác giữa các địa phương hai nước, qua đó tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, phát huy tình hữu nghị truyền thống, củng cố nền tảng dân ý tốt đẹp cho quan hệ song phương.

Thứ tư, thông qua trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, thực chất, hiểu biết lẫn nhau, đặt mình vào vị trí của nhau để cùng xử lý thỏa đáng những vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển theo nhận thức chung cấp cao, không để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến đà phát triển lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Bình luận