Riêng trong tuần thứ 16 (từ ngày 12 đến 17/4), cả nước có 4.122 ca nghi mắc sởi, giảm 8,8% so với tuần trước.
Hai trường hợp tử vong mới bao gồm một bệnh nhân đang điều trị ung thư và có nhiều bệnh nền, và một trẻ nhỏ nhập viện muộn sau ba ngày mắc bệnh.
Khu vực phía Bắc ghi nhận số ca mắc tăng mạnh trở lại sau một năm 2024 có số mắc rất thấp. Ở các khu vực khác, dịch có xu hướng chững lại.
Đáng chú ý, độ tuổi mắc bệnh đang có sự thay đổi. Nhóm từ trên 1 đến 10 tuổi hiện chiếm 61%, giảm 6% so với giai đoạn trước.
Trong khi đó, nhóm trên 10 tuổi (gồm 11-15 tuổi và trên 16 tuổi) tăng 6,4% và hiện chiếm gần 36% tổng số ca mắc.
Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch tiêm vaccine phòng sởi.
Đến ngày 17/4, đã có 52/54 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%, đảm bảo mục tiêu kế hoạch tiêm chủng mở rộng. Hai tỉnh còn lại đạt tỷ lệ từ 90-95%.
Bộ cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phối hợp với các địa phương rà soát đối tượng chưa tiêm hoặc chưa đủ liều vaccine sởi, đặc biệt là nhóm trẻ từ 11 đến 15 tuổi sống tại các khu vực nguy cơ cao.
Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng sởi đợt 3 trong năm 2025 đang được gấp rút chuẩn bị.
Ngoài ra, các cơ sở y tế được yêu cầu tăng cường phân luồng, thu dung bệnh nhân, đảm bảo kiểm soát lây nhiễm và báo cáo kịp thời các ca bệnh.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống sởi và lợi ích của tiêm chủng vaccine.
Dù dịch có dấu hiệu thuyên giảm, nhưng ngành y tế vẫn đánh giá tình hình còn nhiều rủi ro, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu vùng xa, nơi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp và điều kiện tiếp cận y tế còn hạn chế.
Bộ Y tế kêu gọi người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đúng lịch và đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.