Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kon Tum: Liên tiếp xảy ra 32 trận động đất trong 24 giờ

KON TUM - Sáng 29/7, Viện Vật lý địa cầu cho biết tại Kon Plông, Kon Tum đã xảy ra trận động đất thứ 10 có độ lớn 2,6 độ.

Vị trí xảy ra động đất ở tọa độ 14,788 độ vĩ Bắc, 108,214 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Tiếp đó Viện vật lý địa cầu cũng đã phát thông tin về vụ động đất thứ 11 trong ngày hôm nay tại Kon PLông, Kon Tum. Tính cả trận này, Kon Tum đã hứng chịu 32 trận động đất trong 24 giờ qua. Số vụ động đất được nhận định vẫn chưa dừng lại.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi đợt động đất này.

Ngày 28/7, Kon Plông hứng chịu tổng cộng 21 trận động đất. Trong đó trận 5 độ xảy ra vào trưa hôm qua khiến nhiều tỉnh thành lân cận rung chuyển.

dong-dat-kon-tum-1
Chấn tâm vụ động đất mới nhất tại Kon Tum nằm ngay trung tâm huyện Kon Plông - Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Ngày 28/7, theo Viện Vật lý Địa cầu, đơn vị đã ghi nhận tổng cộng 21 trận động đất trên địa bàn huyện Kon Plông. Trong đó trận 5 độ xảy ra vào trưa hôm qua khiến nhiều tỉnh thành lân cận rung chuyển.

Chỉ tính riêng trong 2 ngày 28 - 29/7, đã có tổng cộng 32 trận động đất với độ lớn và độ sâu chấn tiêu khác nhau diễn ra trên địa bàn huyện Kon Plông.

Tại tâm chấn Kon Plông, nhiều nhà cửa bị nứt do rung chuyển. Cơ quan chức năng đã cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 cho trận này.

Các trận động đất xảy ra hôm qua làm rung lắc nhiều tỉnh, thành miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam...

Thậm chí người dân sống tại các tỉnh Ubon Ratchathani và Sakhon Nakhon ở đông bắc Thái Lan đã cảm nhận được rung chấn từ các trận động đất xảy ra tại Việt Nam ngày 28/7.

Trong sáng 29/7, thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã đi kiểm tra các công trình thủy lợi, thủy điện, hệ thống hạ tầng trên địa bàn huyện Kon Plông sau động đất.

Huyện Kon Plông là nơi được quy hoạch nhiều dự án thủy điện lớn và nhỏ. Các trận động đất được xác định là động đất kích thích, có thể do thủy điện tích nước gây ra.

Cũng theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, nhà ở khu vực trung tâm huyện Kon Plông chủ yếu là nhà cấp IV được xây dựng bằng gạch, trụ móng bằng bê tông.

Nhà người dân miền núi gần vùng lòng hồ thủy điện đa số làm bằng gỗ. Đáng lo ngại nhất là các loại công trình có kết cấu cứng, khi xảy ra động đất với cấp độ lớn sẽ tạo ra hiện tượng nứt bê tông… Nếu cường độ động đất lớn sẽ đổ sập.

Ngay sau khi xảy ra động đất lớn, UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết, đã yêu cầu UBND các xã cử cán bộ xuống các thôn làng vùng tâm chấn động đất để vận động người dân ổn định tư tưởng, thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai khẩn cấp.

Bình luận