Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lễ viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất bắt đầu từ 8 giờ ngày 20/3

(VOH) - Sau thời gian lâm bệnh nặng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1 giờ 30 ngày 17/3 tại quê nhà Củ Chi.

Ông được đánh giá là vị lãnh đạo có tư duy lớn của một nhà cải cách.

Nghe bài viết tại đây.  

Linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ được di quan từ quê nhà ở huyện Củ Chi về Hội trường Thống Nhất (quận 1, TPHCM) vào lúc 18 giờ hôm nay để thực hiện những nghi thức quốc tang.

Theo kế hoạch, linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ được đưa từ ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi theo quốc lộ 22 đến đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa về Hội trường Thống Nhất.

Lễ viếng đồng chí Phan Văn Khải được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất bắt đầu từ 8 giờ, ngày mai 20/3 đến hết ngày 21/3. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể lúc 7 giờ 30 phút, ngày 22/3 tại Hội trường Thống Nhất.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban lễ tang. Trong hai ngày Quốc tang (ngày 20/3 và ngày 21/3), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Lễ an táng sẽ diễn ra lúc 11 giờ ngày 22/3 tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM.

Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội cũng diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Phan Văn Khải.

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Phan Văn Khải tại TPHCM và tại Hà Nội.

Tại nhà Bảo tàng lưu niệm Phan Văn Khải - nhà riêng của ông ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM, nhiều vị là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Chính phủ và TPHCM cũng như người dân từ khắp nơi đã đến thắp nén nhang tiễn biệt bác Sáu Khải.

Người dân vùng đất Củ Chi thường gọi ông với tên thân thuộc là bác Sáu Khải, bác Hai bởi ông không chỉ là một lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu mà còn là người con của chính vùng đất thép này. Ông bình dị, gần gũi và thân tình với bà con, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cho đến lúc cuối đời. Trong ký ức của nhiều người, bác Sáu Khải, bác Hai là người luôn mẫu mực, thân tình và gần gũi. Nhiều người không cầm được nước mắt, tiếc thương ông...

Trưa nay, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành kính thắp nhang tri ân, tưởng nhớ đến người từng là thủ trưởng của mình. Ông cũng chia buồn sâu sắc với gia quyến, động viên người thân của cố Thủ tướng Phan Văn Khải nén đau buồn trước sự mất mát. Trong cuốn sổ tang, ông gọi cố Thủ tướng Phan Văn Khải là "anh Sáu". Ông viết: “Vô cùng thương tiếc tiễn biệt anh Sáu - đồng chí Phan Văn Khải... Người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, người đảng viên Cộng sản trung thành, tiêu biểu. Cả cuộc đời vì nước vì dân. Là một nhà lãnh đạo, một vị Thủ tướng tâm huyết, trách nhiệm, đổi mới, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhà nước và nhân dân ta. Xin thành kính thắp nén nhang tri ân và tưởng nhớ anh - người thủ trưởng trực tiếp của tôi trong nhiệm kỳ Chính phủ đầy khó khăn và nhiều kỷ niệm. Người đồng chí, người anh nhân hậu, nghĩa tình. Một nhân cách lớn”.

Tang lễ Phan Văn Khải

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần ở tuổi 85.

Trước đó, sáng nay 19/3, rất đông các đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nước cùng đông đảo người dân từ khắp nơi tiếp tục thắp hương kính viếng. Ngay từ sáng sớm, người dân và đại diện các tổ chức đoàn thể đã có mặt, đăng kí chờ đến lượt để thắp hương kính viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong khuôn viên nhà riêng nguyên Thủ tướng, người dân, nhất là những người đã có dịp tiếp xúc với ông cùng ngồi lại để kể những câu chuyển về quá trình hoạt động, những kỷ niệm về “ông Sáu”, “bác Sáu”, “chú Sáu”, “anh Sáu”… thân thương, gần gũi.

Không chỉ các đoàn thể xã hội, nhiều người dân ở TPHCM và các tỉnh, thành như Tây Ninh, Long An, An Giang…và cả đoàn từ nước bạn Campuchia cũng đến viếng. Nhiều người dân lặn lội từ các tỉnh miền Tây xa xôi, vượt qua hàng trăm cây số đến viếng trong niềm xúc động. Họ mong muốn được nhìn di ảnh, thắp một nén nhang để bày tỏ niềm cảm mến, tiếc thương và tri ân những tình cảm mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng giúp đỡ quan tâm khi ông còn sống.

Ông Nguyễn Văn Mười (73 tuổi), gần nhà nguyên Thủ tướng kể, sau khi về hưu, bác Sáu Khải thường đều đặn mỗi ngày chạy xe điện vào đình Tân Thông, trò chuyện với bà con. Ông thường chia sẻ những câu chuyện bình dị và gần gũi về đời sống, học tập... Ông Sáu Khải thường mang trang phục giản dị như những chiếc áo ka-ki trắng hoặc nâu. Ông luôn cởi mở và tạo cảm giác thân tình, thoải mái khi trò chuyện. Sự chân chất của ông khiến nhiều người không nghĩ rằng đó là một vị nguyên thủ quốc gia.

Ông Nguyễn Hồng Thắng – nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, nhớ nhất những kỷ niệm với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, khi ông ứng cử Đại biểu Quốc hội tại TPHCM. Ông Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ: “Tôi thấy anh Sáu Khải là người không hám danh, hám lợi, hám chức, hám quyền. Những việc này, ông rất là kỵ. Việc gì đúng ông bảo vệ, còn ai sai, ông cũng thân mật khuyên bảo thôi, chứ không hạch sách hay ra vẻ bề trên. Lúc nào, ảnh cũng hiền hòa, đôn hậu. Tôi thấy ảnh đã có công đóng góp rất lớn cho sự nghiệp đổi mới của đất nước mình.”

Theo thông tin từ bộ phận tiếp nhận đăng ký viếng, đến 22h ngày 18/3 đã có 500 đoàn đến viếng, trong đó có 127 đoàn của các cơ quan, tổ chức và 367 đoàn của người dân. Riêng buổi tối đã có tới 194 đoàn của người dân đến tiễn biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Cho đến sau 0h ngày 19/3 vẫn còn người dân đến viếng. Một cán bộ của xã Tân Thông Hội tại bàn đón tiếp cho biết trước tấm lòng, sự thành kính của người dân, gia đình và các thành viên trong tổ phục vụ tang lễ sẽ túc trực suốt đêm để đón các đoàn đến viếng.

Các hãng truyền thông lớn của Nhật Bản như Jiji, Kyodo, Tokyo Shimbun…đồng loạt đăng tin nguyên Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải từ trần. Các báo đều đăng tin ông là người thực hiện tích cực công cuộc đổi mới của Việt Nam. Năm 2005, ông là Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Mỹ kể từ sau năm 1975. Các báo cũng ca ngợi ông là một nhà cải cách kinh tế hàng đầu của Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam phát triển kinh tế.

Bình luận