Tiêu điểm: Nhân Humanity

Luật Đấu thầu (sửa đổi): Cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”

VOH - Sáng 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn Long An đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”. 

Đại biểu cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Xem thêm: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tránh tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, chia cắt dự án

Góp ý về hồ sơ trình dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn Vĩnh Phúc cho biết, đến nay còn khoảng 19 điều khoản giao cho Chính phủ và một số bộ, ngành quy định hoặc hướng dẫn cụ thể nhưng đến nay chưa thấy dự thảo nghị định và hướng dẫn kèm theo. Đại biểu đề nghị cần bổ sung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa luật và các văn bản dưới luật để các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến. 

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Văn Tiến, tại Điểm b quy định gói thầu trang thiết bị, cơ sở vật chất… cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng nếu áp dụng theo phương án 2, thì với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sẽ do doanh nghiệp quyết định theo Luật Doanh nghiệp, khi đó vốn nhà nước trong doanh nghiệp có thể nắm giữ đến 50% vốn điều lệ nhưng không kiểm soát được.

Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đánh giá tác động đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ. 

Mặt khác, khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ.

Tại khoản 1 Điều 61 về điều kiện xem xét được trúng thầu đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, đại biểu Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cần làm rõ giá đề nghị trúng thầu bao gồm tất cả khoản chi phí về thuế của gói thầu, không xét đến giá hàng hóa của gói thầu.

Thực tế có những gói thầu giá đề nghị trúng thầu không vượt quá giá dự toán phê duyệt, nhưng có một số hàng hóa có giá cao hơn giá đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài việc xác định giá trúng thầu đúng quy định, còn bóc tách giá của từng loại hàng hóa cấu thành trong gói thầu để so sánh với giá nhập khẩu, để xác định mức độ tăng giảm của từng hàng hóa, mức độ gây thiệt hại cho NSNN. 

Ngoài ra, hiện chưa có quy định kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp. Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, đây là một trong những bất cập thời gian qua, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung để có sự thống nhất, đồng thời cần giải thích từ ngữ “giá đề nghị trúng thầu” là như thế nào.

Về giá chào hàng cạnh tranh tại Điều 24, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung gói thầu hỗn hợp với giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng vào trường hợp mà được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.

Về mua sắm trực tiếp tại Điều 25 của dự thảo, đại biểu cho rằng, quy định này không đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình thực hiện của nhà thầu, do đó đề nghị có thể điều chỉnh thành: “trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì chủ đầu tư trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt theo quy định”.

Bình luận