Tiêu điểm: Nhân Humanity

Luật Phòng, chống rửa tiền: Bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ trong kinh doanh bất động sản

(VOH) - Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được Đại biểu QH chỉ ra là thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trong 1 lần.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 01/11/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành Phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung này.

Theo đó có 107 lượt ý kiến phát biểu tại 19 tổ, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để áp dụng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, góp phần vào công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, phòng chống tham nhũng và đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ.

db
Đại biểu K’Nhiễu- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, Đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết, trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát. Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.

Bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.

Phát biểu thảo luận đại biểu K’Nhiễu- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành, đồng thời đề nghị rà soát nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đại biểu nhấn mạnh, khi sửa đổi các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cần đánh giá tới mức độ thực tiễn về tính khả thi, tức là từ các nguồn lực để tổ chức thực hiện, lộ trình thực hiện… của các quy định được sửa đổi, bảo đảm các đối tượng báo cáo, các cơ quan quản lý nhà nước đều có thể hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình. Quy định này bắt buộc đối tượng báo cáo phải chủ động thực hiện trách nhiệm báo cáo. 

Về việc thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nêu rõ, tài khoản vô danh, nặc danh và mạo danh trong lĩnh vực ngân hàng, điện thoại di động và mạng xã hội là một trong những vấn đề nhức nhối tiếp tay cho hoạt động gian lận, lừa đảo xảy ra ngang nhiên, phổ biến, rất khó phát hiện ngăn chặn và điều tra, xử lý trong thời gian vừa qua.

Đại biểu đề nghị luật này cùng với các luật liên quan cần có các quy định nhằm ngăn chặn việc lừa đảo ngang nhiên chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.

Bình luận