Tiêu điểm: Nhân Humanity

Luật Xử lý vi phạm hành chính cần tăng thêm chế tài xử phạt

(VOH) -  Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 liên quan đến mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và trình ra Quốc hội tại Kỳ họp này. Theo đó, Chính phủ đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực mà theo quy định hiện hành có mức tiền phạt tối đa thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính.

Riêng đối với một số lĩnh vực khác được các đại biểu Quốc hội đề nghị như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng..., qua tổng kết thi hành không thấy có vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về mức tiền phạt tối đa. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ việc tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Đề cập đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn tỉnh Kon Tum kiến nghị: “Thẩm quyền xử phạm của Chủ tịch UBND cấp xã theo hiện hành thấp quá, nên phải đẩy lên cấp trên. Kiến nghị tăng thẩm quyền xử phạt của cấp xã lên 10 triệu”.

Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực để quy định mức tiền phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng đồng bộ không chỉ hình thức phạt tiền mà cả các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, không để xảy ra tình trạng phạt cho tồn tại.

Liên quan đến bổ sung quy định ngừng cấp điện, nước với các hành vi vi phạm hành chính cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn tỉnh Tuyên Quang ý kiến: “Không bổ sung quy định ngừng cung cấp điện nước vì điều này vi phạm quyền của con người và các nguyên tắc. Việc cung cấp điện nước được thực hiện theo hợp đồng giữa cá nhân với các tổ chức”.

Luật Xử lý vi phạm hành chính, xử phạt, ngày 22 tháng 10 năm 2020
Ảnh: Quochoi.vn

Trong lần điều chỉnh này, Quốc hội thống nhất không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Đại biểu Nguyễn Minh Đức, đoàn TPHCM đặt vấn đề: “Việc lập biên bản hành chính đi đôi với tạm giữ phương tiện. Nhiều trường hợp cần giám định tang vật thì liệu thời gian 3 ngày có phù hợp không?”.

Nhiều ý kiến góp ý về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp xử lý hành chính đối với người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, nhất là đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Về thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính cũng được các đại biểu đề nghị cần quan tâm điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Bình luận