Tiêu điểm: Nhân Humanity

Một số giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi

(VOH) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019.

Nghị quyết nêu rõ: Ngay khi có thông tin về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại các nước láng giềng vào tháng 8 năm 2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, phòng chống dịch bệnh; nhờ vậy, đã làm hạn chế tốc độ lây lan và thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thời gian qua bộc lộ một số tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch như: Chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn bệnh chưa kịp thời, không bảo đảm yêu cầu, làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho cộng đồng; việc bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa kịp thời, thiếu nhất quán; hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn xảy ra ở một số nơi;... Do đó, từ tháng 2/2019 đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, phải tiêu hủy trên 2,3 triệu con lợn.

Do tính chất nguy hiểm của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị; vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; nước ta còn trên 2,4 triệu hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi rất cao; việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền mầm bệnh gặp nhiều khó khăn; thời tiết diễn biến rất phức tạp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho vi rút Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan, gây bệnh. Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày; xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn; ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống của người dân.

Để khắc phục tình trạng trên và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc triển khai một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực, trách nhiệm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW; chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 7/3/2019; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2/2/2019, Công điện 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018, Công điện 667/CĐ-TTg ngày 4/6/2019.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phải xây dựng kế hoạch tổng thể và kịch bản phòng, chống bệnh dịch với nhiều tình huống khác nhau; các cấp địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể và từng giai đoạn.

Hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Nghị quyết nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, cụ thể, hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với mức hợp lý trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi lợn và phù hợp cho từng loại lợn (đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác được mức hỗ trợ cao hơn các loại lợn khác).

Việc triển khai hỗ trợ phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.

Hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức hỗ trợ bằng 30% mức hỗ trợ cho chủ cơ sở chăn nuôi nêu trên nhưng tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) và chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con lợn đến ngày 31/12/2019 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.

Nguyên tắc, trình tự, thủ tục hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương, với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, ngân sách trung ương hỗ trợ 80% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ thiệt hại.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại: Với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 50% trở lên, chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện; các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%: Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại: Ngân sách trung ương hỗ trợ 70% phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Các địa phương huy động thêm tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.

Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương (gồm: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồn cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.

Kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể và kịch bản phòng, chống bệnh dịch với nhiều tình huống khác nhau; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương về công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,... để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống người dân; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai nghiên cứu, sản xuất vắc xin và hệ sinh thái các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trước ngày 25/6/2019.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc duy trì, kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống các cơ quan thú y Trung ương như hiện nay và các địa phương theo quy định của Luật thú y, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 04/CT-TTg và Công điện số 667/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền và giải thích rõ cho người dân về chính sách và mức hỗ trợ có liên quan đến Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, Nghị quyết số 16/NQ-CP và các nội dung của Nghị quyết này.

Khuyến khích thu mua lợn sạch, không nhiễm bệnh để tiêu thụ, cấp trữ đông

Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc, theo dõi việc khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện việc thu mua lợn sạch, không nhiễm bệnh để tiêu thụ, cấp trữ đông nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi để giữ ổn định giá lợn không bị xuống thấp trong giai đoạn trước mắt và có nguồn thực phẩm an toàn cung cấp cho nhu cầu thị trường trong thời gian tới; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Bộ Tài chính căn cứ quy định tại Nghị quyết này và số thực chi từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước), xem xét, hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho từng địa phương và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Trường hợp dịch bệnh xảy ra ở phạm vi lớn, ngân sách địa phương không đủ nguồn lực để thực hiện phòng, chống dịch, căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính thực hiện bổ sung một phần kinh phí cho địa phương để thực hiện (tối đa 70% mức ngân sách trung ương hỗ trợ). Sau khi địa phương có báo cáo kết quả thực hiện chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ Tài chính sẽ bổ sung thêm (trường hợp thiếu kinh phí) hoặc thu hồi (trường hợp dư kinh phí) theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các giải pháp tổng thể về xử lý tiêu hủy lợn phù hợp với từng quy mô, cấp độ và địa bàn nhằm bảo đảm không làm lây lan dịch bệnh và không làm ô nhiễm môi trường.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt hỗ trợ cho các cơ sở nuôi giữ đàn giống cụ kỵ, ông bà để cung cấp con giống phát triển sản xuất sau khi dịch bệnh được khống chế.

Thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác cho người dân

Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội; về chính sách hỗ trợ của nhà nước theo nguyên tắc nhà nước và người chăn nuôi cùng chia sẻ những gánh nặng về kinh tế do phát sinh dịch bệnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư về việc kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật thú y, tăng cường năng lực thú y các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ; chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.

Quyết định hoặc trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định mức hỗ trợ kinh phí cho cán bộ thú y và những người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật, với mức không thấp hơn ngày công lao động phổ thông tại địa phương; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức thu mua, giết mổ, cấp đông thịt lợn sạch nhằm bình ổn thị trường.

Thực hiện công khai chính sách và mức hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại thôn, xã, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp đến chủ chăn nuôi bị thiệt hại; kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và mức bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch theo quy định. Sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực.

Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn bệnh kịp thời, bảo đảm yêu cầu không để lây lan dịch bệnh, không để gây ô nhiễm môi trường; tổ chức tốt công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát giết mổ, mua bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn đúng quy định của pháp luật hiện hành, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bình luận